Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam và nhà tư vấn truyền thông có chuyên môn sâu về Đông Nam Á, bà Elizabeth McIninch, khẳng định Việt Nam đã thực sự trở thành trung gian hòa giải giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đóng vai trò dẫn dắt trong ngôi nhà chung của 650 triệu người này.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với những khó khăn sau đại dịch COVID-19, vai trò thành viên tích cực của Việt Nam đang tạo ra được động lực thực sự ấn tượng cho ASEAN.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Ottawa nhân dịp 28 năm Việt Nam tham gia ASEAN (28/7/1995-28/7/2023), bà McIninch đề cập tới phương châm tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam tại ASEAN, cho rằng những yếu tố này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò dẫn dắt và sẵn sàng giải quyết những khó khăn của một thành viên ASEAN.
Bà nêu rõ chính những giá trị và nguyên tắc này cho phép toàn ASEAN tiến lên phía trước và cho phép Hiệp hội đối mặt với thử thách khắc nghiệt.
Chuyên gia Canada nhấn mạnh tất cả những phương châm này đã góp phần giúp cho Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như duy trì trật tự luật pháp trong tư duy của tất cả các thành viên.
Bà Elizabeth McIninch cho biết cùng nhiều nước khác trong khu vực, Việt Nam thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Việc duy trì được hòa bình và ổn định sẽ là lựa chọn tốt cho Việt Nam và các thành viên ASEAN vì Hiệp hội đang trên đà trở thành khối thương mại lớn thứ năm thế giới.
Điều này có nghĩa là các nước đã và đang tuân theo các khái niệm về sự gắn kết, tính chủ động, tích cực và trách nhiệm.
Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một cú hích lớn và Việt Nam đang thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu của LHQ trong nhiều năm.
Bà McIninch cũng bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,2% trong năm này dù vừa trải qua thời kỳ đại dịch COVID-19 như các nước khác.
Các chuyên gia đều đang nhận định rằng mức tăng trưởng này có thể tiếp tục tăng lên 7-8% trong năm 2030. Bà nhấn mạnh đây là một sự phục hồi kinh tế hết sức ấn tượng.
Chia sẻ thêm về đất nước và con người, bà McIninch đánh giá Việt Nam là đất nước ổn định về chính trị, có người dân rất lạc quan, có nền giáo dục tốt và có độ tuổi trung bình rất trẻ, khoảng 30 tuổi.
Do vậy, đây là thị trường lao động lớn thứ hai ở ASEAN trong tổng số lực lượng lao động hiện nay của toàn ASEAN vào khoảng 100 triệu người.
TheoTTXVN/Vietnam+