Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Ý của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong các ngày 25-28/7, nhiều tờ báo lớn tại Ý đã đăng các bài viết trang trọng, đậm nét về chuyến thăm này.
Báo Agenzia Stampa Italia đăng bài viết “Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm Ý nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Ý - Việt Nam”.
Bài báo nhấn mạnh Ý chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 23/3/1973. Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013, Ý và Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, với nền tảng là thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao.
Trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược, hai nước đã phối hợp tổ chức các cuộc họp Tham vấn Chính trị, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ. Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên.
Trong hai năm qua, bất chấp đại dịch COVID-19, quan hệ song phương vẫn được duy trì nhờ sự linh hoạt thích ứng của cả hai bên. Gần đây nhất, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (tháng 5/2023).
Trong các dịp trao đổi cấp cao, Ý duy trì thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Tại các diễn đàn đa phương, Ý và Việt Nam thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau, góp tiếng nói tích cực về việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Về văn hóa, hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sáng kiến giới thiệu, quảng bá văn hóa, truyền thống. Tại Ý, các sự kiện tiêu biểu như trình diễn thời trang, nghệ thuật, triển lãm tranh, triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu ẩm thực, du lịch, tuần phim Việt Nam... được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là trong năm 2023.
Một số hoạt động nổi bật gần đây như triển lãm gốm với Bảo tàng Bát Tràng, biểu diễn và giao lưu của nhóm múa đến từ Ý Artemis Danza tại Hà Nội, Tuần phim Ý tại Việt Nam, Tuần lễ ẩm thực Ý... đã đưa văn hóa Ý đến gần hơn với công chúng tại Việt Nam.
Về giáo dục - đào tạo, năm 2019, hai bên ký Chương trình hành động về hợp tác giáo dục giai đoạn 2019-2022. Trong đó, Ý đã cung cấp sách giáo khoa, cũng như phương tiện hỗ trợ âm thanh trực quan và các tài liệu giáo dục khác cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam để giảng dạy tiếng Ý và đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, giáo dục và phương pháp giảng dạy.
Tại Ý, tiếng Việt chính thức được giảng dạy với Bộ môn tiếng Việt được thành lập ở hai cơ sở giáo dục nổi tiếng là Đại học Ca’ Foscari và Đại học Đông phương Napoli.
Hai bên cũng khuyến khích và hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục, khuyến khích việc hỗ trợ các chuyến tham quan học tập, đặc biệt ưu tiên các chuyến thăm nhằm xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường đại học.
Về khoa học - công nghệ, kể từ khi thành lập vào tháng 11/1998, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học công nghệ đã phê duyệt nhiều Chương trình hợp tác về khoa học - công nghệ Việt Nam - Ý với hơn 90 dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được ký kết, triển khai trên các lĩnh vực thế mạnh của Ý và nhu cầu quan tâm của Việt Nam như công nghệ sinh học và y học, môi trường và biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng hạt nhân, công nghệ thông tin và truyền thông, vật lý ứng dụng, công nghệ bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa thiên nhiên, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo.
Hai bên đã xây dựng kế hoạch hợp tác 2021-2023 về khoa học công nghệ với 11 dự án hợp tác nghiên cứu chung, với mục tiêu thúc đẩy khoa học và công nghệ là một trụ cột hợp tác quan trọng trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam - Ý.
Về du lịch, Ý là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi tham quan châu Âu. Với đề xuất tiếp tục miễn thị thực vào Việt Nam trong 15 ngày cho du khách từ 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý, du lịch hứa hẹn sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong quan hệ hợp tác hai bên.
Trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, Ý được xác định là một trong những thị trường trọng điểm và rất có tiềm năng. Số lượng du khách Ý sang Việt Nam tăng trưởng khá với tốc độ trung bình 15% trong giai đoạn 2015-2019.
Về hợp tác địa phương, hiện có gần 10 cặp quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương hai bên trong đó đáng chú ý là Hà Nội - vùng Lazio, Bình Dương - vùng Emilia Romagna, TP Hồ Chí Minh - Turin, Vĩnh Phúc - vùng Tuscany. Đáng chú ý, Bình Dương, Vĩnh Phúc là những điển hình về các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư với phía Ý; hằng năm định kỳ đều có các hoạt động rà soát, xúc tiến đầu tư.
Trong khi đó, báo L’Identità đăng bài viết “Quan hệ Ý - Việt Nam: Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng sắp đến thăm Ý”. Bài báo viết rằng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đến Ý trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Trong chương trình nghị sự, Chủ tịch Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc gặp Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni. Một điểm dừng quan trọng ở Vatican cũng đã được lên kế hoạch.
Sau nửa thế kỷ, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, cả về hợp tác song phương và đa phương. Ngoài ra, còn có các quan hệ kết nghĩa địa phương, bao gồm giữa thủ đô Hà Nội - vùng Lazio, Bình Dương - vùng Emilia - Romagna, TP Hồ Chí Minh - Turin, Vĩnh Phúc - vùng Tuscany.
Việt Nam là đối tác thương mại chính của Ý trong ASEAN và Ý là đối tác lớn thứ tư của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 6,2 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Chính phủ Ý đã đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu đãi xúc tiến thương mại và đầu tư đến năm 2030. Có rất nhiều nhà đầu tư Ý trong lĩnh vực chế biến đang hoạt động hiệu quả và thành công tại thị trường Việt Nam, gồm Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston và danh sách này tiếp tục được nối dài.
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, du lịch và giao lưu nhân dân tiếp tục phát triển tích cực. Lĩnh vực văn hóa hoạt động sôi nổi, có sáng kiến được tổ chức thường xuyên. Từ năm 2002 đến nay, các chuyên gia Ý đã giúp Việt Nam trong việc trùng tu và bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hai bên đã ký kết và triển khai nhiều dự án hợp tác. Nhiều suất học bổng được trao mỗi năm cho sinh viên Việt Nam. Với lượng khách du lịch ngày càng tăng trong những năm gần đây, giao lưu giữa các cá nhân đóng vai trò là cầu nối, giúp nâng cao hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.
Ý và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng không chỉ về địa lý, tình cảm và giá trị gia đình, cộng đồng, ẩm thực, văn hóa mà còn về cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò là đầu mối của tổ hợp sản xuất.
Chuyến thăm tới Ý của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng hợp tác, trao đổi giữa hai nước trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+