Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Cộng hòa Áo, TS Patrick Horvath - Tổng Thư ký “Quỹ Chính sách Kinh tế Khoa học” (WIWIPOL) có trụ sở tại Vienna và là tình nguyện viên trong Tổ chức hội nhập và trao đổi văn hóa của Áo “Châu Á tại Vienna” - đã có bài viết đề xuất chiến lược về chính sách kinh tế giữa Việt Nam với Áo.
Lễ tiễn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân lên đường thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ý và thăm Tòa thánh Vatican. Ảnh: TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn nội dung bài viết của TS Horvath nhận định việc Chủ tịch nước Việt Nam chọn Áo là điểm đến châu Âu đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình là một điều thực sự đáng ghi nhớ và vinh dự.
Đặc biệt, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg tới Việt Nam hồi tháng 4/2022, nhiều cơ hội đã được tận dụng tối đa và mọi hoạt động thắt chặt quan hệ Việt Nam - Áo vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Buổi hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo diễn ra tại phòng hòa nhạc danh tiếng “Konzerthaus” ở thủ đô Vienna, “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại Cung điện Palffy ở trung tâm Vienna, và việc Chính phủ Áo tặng vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân dân Việt Nam là những hoạt động ấn tượng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với Áo.
Có vẻ như động lực mới trong mối quan hệ Áo - Việt đã xuất hiện và hiện nay chính là lúc để suy nghĩ, phát triển tầm nhìn rõ ràng.
TS Horvath đánh giá cách tiếp cận đa chiều - bao gồm: Thúc đẩy đầu tư vào công nghiệp; Cung cấp lực lượng lao động; Thiết lập “Đối tác xanh” - sẽ có lợi cho cả Áo và Việt Nam, cũng như phục vụ lợi ích chung của hai nước.
Cụ thể, trong lĩnh vực thúc đẩy đầu tư vào công nghiệp, đã có nhiều công ty Áo thành công đang hoạt động hoặc đầu tư tại Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam” trong Ngày Văn hóa Việt Nam tại Áo. Ảnh: TTXVN |
Delfort - công ty bao bì có nguồn gốc từ TP Traun - đang vận hành một cơ sở sản xuất gần Thành phố Hồ Chí Minh với các chương trình phúc lợi xã hội mẫu mực dành cho người lao động như xe buýt miễn phí hoặc bảo hiểm y tế, qua đó đưa mô hình phát triển xã hội của Áo sang Việt Nam và tăng thêm động lực cho người lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp Áo đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài. Có thể thấy, tiềm năng đầu tư của ngành công nghiệp Áo tại Việt Nam chưa được phát huy hết.
Theo cơ quan tư vấn “Source of Asia”, Hà Lan - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 18 triệu dân - đã triển khai 421 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 13,89 tỉ USD. Nước Áo có dân số bằng một nửa so với Hà Lan, vì vậy, hy vọng vào mục tiêu hơn 200 dự án với số tổng vốn đầu tư 7 tỉ USD là hoàn toàn khả thi.
TS Horvath nhấn mạnh để đạt được mục tiêu này, triển khai kế hoạch quan hệ công chúng nhằm thúc đẩy đầu tư của ngành công nghiệp Áo vào Việt Nam có thể là lựa chọn phù hợp.
Liên quan đến thị trường lao động, Áo đang ráo riết tìm kiếm lực lượng lao động có trình độ trong bối cảnh xã hội già hóa.
Đặc biệt, nhân lực trong các ngành như khoa học tự nhiên, nông nghiệp, điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn... đang thiếu hụt trầm trọng.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Áo Georg Knill bày tỏ lo ngại rằng về lâu dài, 500.000 việc làm sẽ bị bỏ trống ở quốc gia Trung Âu, và đố là con số quá lớn đối với Áo - một đất nước nhỏ có khoảng 9 triệu dân.
Trong khi đó, đối với Việt Nam - nền kinh tế đang phát triển với lực lượng lao động trẻ, đây là cơ hội tuyệt vời.
Mặt khác, tác giả bài viết đề xuất Chính phủ Áo nên quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đào tạo đội ngũ sinh viên Việt Nam, bởi vì quốc gia Đông Nam Á, với dân số ngày càng tăng, có thể cung cấp nhiều tài năng trẻ.
Nếu các sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Áo và trở về đất nước, lực lượng này sẽ góp phần xây dựng Việt Nam. Đây cũng là hình thức viện trợ phát triển tốt nhất mà Áo có thể cung cấp. Trong trường hợp người lao động ở lại Áo, họ vừa có thể đóng góp cho quê hương, vừa góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu lao động ở quốc gia Trung Âu.
Trước đó, trong một bài báo năm 2021, TS Horvath cũng đề xuất thành lập “quan hệ đối tác xanh” giữa Áo và Việt Nam.
Trong đó, Áo có thể giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam về công nghệ mà quốc gia Đông Nam Á đang rất cần, trong khi các doanh nghiệp Áo cũng xác định đúng cơ hội kinh doanh lớn tại Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+