Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, chiều 12/7, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Sắp xếp hơn 30 đơn vị hành chính cấp huyện, hơn 1.300 đơn vị cấp xã
Trước đó, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết.
Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ từ những kết quả đạt được trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về nội dung này, việc Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 là cần thiết.
Dự thảo nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản, trong đó quy định rõ đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030; khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính không thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Dự thảo nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp; quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030…
Một trong những nội dung cơ bản tại dự thảo nghị quyết là kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm; đồng thời ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.
"Định mức hỗ trợ trên đã được Bộ Tài chính cân đối trên cơ sở tính toán số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2023-2030, bảo đảm phù hợp với khả năng của ngân sách Trung ương trong điều kiện hiện nay", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Với mức hỗ trợ 20 tỉ đồng/huyện và 0,5 tỉ đồng/xã thì ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỉ đồng.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định của dự thảo nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp do có yếu tố đặc thù; tán thành 6 nguyên tắc cơ bản được nêu trong dự thảo nghị quyết.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa nguyên tắc sắp xếp với các trường hợp không bắt buộc sắp xếp và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm nhiều mục tiêu, trong đó giảm đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, qua đó giảm chi tiêu ngân sách; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Dẫn số liệu cho thấy có đơn vị hành chính diện tích rất lớn nhưng dân số ít như ở các tỉnh miền núi, hoặc có đơn vị hành chính diện tích nhỏ nhưng dân số rất lớn như ở đô thị lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công của người dân.
“Bộ Chính trị nhấn mạnh hiệu quả không đơn thuần cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản bao nhiêu biên chế mà quan trọng là hiệu quả thực chất hoạt động chính quyền, người dân thụ hưởng trên địa bàn được sắp xếp”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nêu quan điểm về việc hỗ trợ tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong đó yêu cầu quy định rõ mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương để phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, quy định như dự thảo Nghị quyết chỉ quy định hỗ trợ một lần cho các địa phương bổ sung cân đối ngân sách; chưa quy định rõ sử dụng như thế nào, chi thường xuyên hay chi đầu tư, chi chế độ chính sách cho lao động dôi dư, chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết trên thực tế, các địa phương có sự khác biệt về mức độ, nhu cầu trong việc chi cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, nếu thực hiện đúng theo tinh thần của Kết luận số 48-KL/TW, thì khoản hỗ trợ này là hỗ trợ cho đầu tư xây dựng cơ bản, tức là hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
Ngoài ra, dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa là 20 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm. Theo Luật Ngân sách Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định hỗ trợ một lần cho các đơn vị mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu về quy định này theo hướng chỉ đưa mức chi tối đa; còn quá trình xây dựng dự toán hàng năm, Quốc hội quyết định bổ sung mức cụ thể trên cơ sở tổng mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho từng địa phương…
"Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và tối đa không quá 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm để đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách khi có nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương sẽ lập dự toán và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ kèm căn cứ để các địa phương lập dự toán", Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rõ trong báo cáo phối hợp thẩm tra dự thảo nghị quyết.
Theo TTXVN/Vietnam+