Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là nhà trí thức quan trọng của công chúng, là nhà hoạt động chính trị, ngoại giao và nhà kinh tế giỏi của Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển đất nước; nhất là trong tiến trình mở cửa, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đó là nhận định của GS Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, Hoa Kỳ khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và chia sẻ những ấn tượng, cảm xúc về những lần gặp gỡ, tiếp xúc với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 24/6.
Theo GS Thomas J. Vallely, trong những năm cuối của thập niên 90 và đầu năm 2000, ông Vũ Khoan thường cùng với nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam thực hiện các hoạt động đối ngoại hướng đến mục tiêu bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tại thời điểm đó, GS Thomas J. Vallely làm việc ở Viện Phát triển Quốc tế của Trường Harvard Kennedy, Hoa Kỳ; đồng thời tham gia tham vấn không chính thức với Đảng, Chính phủ Việt Nam về tiến trình đổi mới của đất nước.
Ông Vũ Khoan khi đó là một trí thức năng động, nhất là trong lĩnh vực thương mại và bảo hộ độc quyền trong ngành nông nghiệp, có nhiều ý tưởng về con đường đổi mới mà Việt Nam sẽ hướng đến.
“Trong những lần đó, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ suy nghĩ mô hình đổi mới của Việt Nam theo hướng các quốc gia như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore hay Hàn Quốc? Làm thế nào để Việt Nam đổi mới và sớm trở thành 'con hổ' của châu Á...”, GS Thomas J. Vallely chia sẻ.
Theo GS Thomas J. Vallely, ông Vũ Khoan không chỉ giỏi trong ngoại giao mà còn rất khéo léo trong cách tương tác hay vận dụng các cơ chế cần thay đổi để xây dựng chính sách thương mại phù hợp với bối cảnh mới.
Tại thời điểm đó, nhiều người tin tưởng ông sẽ trở thành nhân vật trung tâm trong việc hình thành các ý tưởng mới, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.
Có thế nói, ông Vũ Khoan không chỉ là người đi đầu trong các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, góp phần gác lại quá khứ, thực hiện chương mới trong lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Clinton đến Việt Nam vào năm 2000.
Đây cũng là giai đoạn "cực kỳ thú vị" trong lịch sử chính trị, kinh tế Việt Nam, nhất là khi ông Vũ Khoan là một nhà chính trị có ảnh hưởng rất lớn của Việt Nam đã nỗ lực trong việc góp phần sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước về kinh tế, thương mại theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Tôi biết ông Vũ Khoan khá rõ. Điểm mạnh của ông là rất nhạy, năng động và linh hoạt, nhất trong lĩnh vực thương mại. Ông ấy cũng rất kiên cường và mạnh mẽ trong việc bảo vệ quan điểm, ý tưởng của mình. Một phần của những ý tưởng đó của ông đã góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và thành công như ngày hôm nay. Đó cũng chính là cách Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới; cách quản lý nền kinh tế mới trở thành một phần của thế giới hiện đại hoặc nền kinh tế thị trường”, GS Thomas J. Vallely chia sẻ.
Đến nay, Việt Nam đã xuất siêu bình quân sang Hoa Kỳ đạt 125 tỉ USD/năm. Thương mại đã trở thành một động lực rất quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam.
GS Thomas J. Vallely cũng như nhiều thành viên của Viện Phát triển Quốc tế của Trường Harvard Kennedy luôn trân trọng tình cảm và những việc mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã làm cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.
“Chúng tôi không phải là bạn thân, nhưng chúng tôi hiểu và biết nhau rất nhiều. Thay mặt cho những người bạn, cộng đồng Trường Harvard Kennedy xin chia buồn sự mất mát to lớn của gia đình nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan”, GS Thomas J. Vallely chia sẻ...
Theo TTXVN/Vietnam+