Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng cụ thể hóa khát vọng hùng cường bằng những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có ngành công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhưng nhìn lại quãng đường nửa nhiệm kỳ đã đi qua, đất nước phải đối diện quá nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, từ xung đột giữa các nước lớn và nhiều yếu tố bất lợi khác. Trong những năm nửa cuối nhiệm kỳ, làm thế nào để vượt qua những khó khăn, hiện thực hóa mục tiêu Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đề ra, từ góc độ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng chí Phạm Ðại Dương, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này.
* Thưa đồng chí, một địa phương muốn phát triển nhất định phải xác định được lợi thế của mình so với những nơi khác, để khai thác, phát huy những nguồn lực đó một cách hiệu quả nhất. Với Phú Yên, lợi thế của tỉnh là gì và sẽ được phát huy thế nào trong những năm cuối của nhiệm kỳ khóa XIII để khắc phục những khó khăn trước mắt, từng bước hiện thực hóa khát vọng hùng cường?
Ðồng chí Phạm Ðại Dương: Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, có những bước phát triển ấn tượng. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Ðó là cơ sở, là tiền đề quan trọng để chúng ta quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, để đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có ngành công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Ðến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Quán triệt những quyết tâm chính trị rất cao này, các địa phương đã, đang và sẽ triển khai thực hiện quyết liệt để đưa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và các nghị quyết của địa phương đi vào cuộc sống.
Tỉnh Phú Yên đã ban hành 15 nghị quyết, chương trình hành động, bao hàm trên tất cả các lĩnh vực về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa, con người, giáo dục, y tế, phát triển đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính... để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, phấn đấu cùng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh.
Nhìn lại quãng đường nửa nhiệm kỳ đã đi qua, có thể thấy rằng, cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách chưa từng có tiền lệ đến từ đại dịch Covid-19, đến từ xung đột giữa các nước lớn, đến từ biến đổi khí hậu và các bất ổn khác.
Là một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam chúng ta đã chịu những tác động to lớn từ sự bất ổn của kinh tế thế giới. Những tác động này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những tác động ngoài ý muốn này không chỉ mang lại những yếu tố tiêu cực. Cùng với những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Sự tăng trưởng có chậm lại, nhưng sự vững vàng trong phát triển kinh tế-xã hội cho thấy nền kinh tế nước ta đã tự chủ hơn rất nhiều, giữ vững được các cân đối lớn của nền kinh tế, khả năng chống chịu trước sự tác động bên ngoài cao hơn, sự vận hành của nền kinh tế đã tốt hơn, tính chủ động cao hơn...
Trước tình hình bất ổn chung của thế giới vẫn còn tiếp diễn, khó đoán định, chúng ta cần rà soát, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại để điều chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện. Cần có sự quyết tâm cao, những chính sách đột phá để làm bù những gì mà chúng ta chưa làm được trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua.
Trong đó, chú trọng bảo đảm và nâng cao đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập trung vào những thế mạnh cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, tìm kiếm "cơ" trong "nguy", tận dụng các cơ hội để vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này và để bứt phá.
Ðối với Phú Yên hiện nay, với sự nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, tỉnh đã và đang có những nền tảng quan trọng để phát triển, bứt phá. Nhưng sự phát triển mà Phú Yên hướng tới ở đây không phải là sự phát triển kinh tế đơn thuần, mà là một nền kinh tế xanh, một sự phát triển bền vững, ở đó, người dân phải là đối tượng thụ hưởng những thành quả của sự phát triển, ở đó, người dân phải có cuộc sống tốt hơn, có đời sống văn hóa tinh thần tốt hơn và quan trọng hơn, là ngày càng hạnh phúc hơn.
Với quan điểm đó, thông qua công tác quy hoạch, tỉnh Phú Yên đang từng bước chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế thành giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội. Những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử phải được phát huy tối đa và hiệu quả. Ðường bờ biển dài với những bãi cát trắng phải được chuyển hóa thành những đô thị, dịch vụ ven biển năng động, gắn với phát triển du lịch không gian biển; thành những vùng nuôi trồng, đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm chế biến thủy hải sản; thành những khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với lợi thế cảng nước sâu…
Ðường bờ biển dài với những bãi cát trắng phải được chuyển hóa thành những đô thị, dịch vụ ven biển năng động, gắn với phát triển du lịch không gian biển; thành những vùng nuôi trồng, đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm chế biến thủy hải sản; thành những khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với lợi thế cảng nước sâu…
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương |
Vùng đồng bằng từng được mệnh danh "Vựa lúa miền trung" phải trở thành những vùng dân cư yên bình gắn với phát triển nông nghiệp nhiều lợi thế như trồng lúa, các cây nông nghiệp ngắn ngày... Vùng núi tiếp giáp với Tây Nguyên có nhiều lợi thế để trở thành các vùng cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao... Tất cả được đặt trong tổng thể của liên kết vùng, trong kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông như đường hàng không với sân bay Tuy Hòa; đường thủy với cảng biển Vũng Rô, cảng nước sâu Bãi Gốc; đường bộ với quốc lộ 1, quốc lộ 19, quốc lộ 25, quốc lộ 29 và đường cao tốc bắc-nam đang được triển khai xây dựng...
Bên cạnh đó, công tác tăng cường hợp tác, kể cả trong nước và quốc tế, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… được tỉnh triển khai nhằm huy động các nguồn lực. Vừa qua, tỉnh Phú Yên đã thông qua chủ trương đầu tư để hoàn thành tuyến đường ven biển nhằm phát triển du lịch biển; hợp tác với Tập đoàn Kyomura và một số doanh nghiệp Nhật Bản để đưa công nghệ mới vào đánh bắt, khai thác, chế biến thủy hải sản, hướng tới phát triển ngành nuôi biển ngoài khơi...; thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao như xây dựng tổ hợp dịch vụ trung tâm dữ liệu data center, cáp viễn thông quốc tế, công nghiệp dịch vụ hàng không, xây dựng cảng biển và các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi...
Một yếu tố quan trọng mà tỉnh Phú Yên xác định trong sự phát triển bền vững chính là yếu tố con người. Người dân là đối tượng thụ hưởng thành quả của sự phát triển nhưng người dân cũng chính là chủ thể tạo ra sự phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ, cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh Phú Yên cũng triển khai Chương trình hành động về phát triển con người với mục tiêu xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện gắn với phát triển tri thức, phát triển thể chất, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức về kỹ năng xã hội.
Tăng trưởng về kinh tế luôn là mục tiêu cần hướng tới, nhưng cao hơn nữa, đó chính là sự phát triển đúng nghĩa, sự phát triển không dựa trên những con số, mà sự phát triển để mỗi người dân ngày mai sẽ luôn có cuộc sống tốt hơn ngày hôm nay.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương |
Tăng trưởng về kinh tế luôn là mục tiêu cần hướng tới, nhưng cao hơn nữa, đó chính là sự phát triển đúng nghĩa, sự phát triển không dựa trên những con số, mà sự phát triển để mỗi người dân ngày mai sẽ luôn có cuộc sống tốt hơn ngày hôm nay.
* Công tác cán bộ được nhận định là "then chốt của then chốt" trong việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Nhưng nửa nhiệm kỳ đã qua bên cạnh thực tế nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật thì có một bộ phận cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ðịa phương có giải pháp gì để thúc đẩy cán bộ làm việc trong bối cảnh hiện nay?
Ðồng chí Phạm Ðại Dương: Có lẽ, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm và thực hiện quyết liệt như trong thời gian vừa qua. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Phòng, chống tham nhũng, là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Chúng ta đã có được cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng". Chúng ta đang hoàn thiện thể chế, "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" để "không thể tham nhũng". Nhưng, có lẽ, quan trọng nhất vẫn là một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Ðó là tầm cao nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta không phải kiểm soát, phải phòng, phải chống, mà tự thân nó bị tự biến mất khi cán bộ, công chức không cần, không muốn tham nhũng. Tại sao lại có tham nhũng, tiêu cực? Có phải do đạo đức của người cán bộ, công chức? Có phải do mức thu nhập hiện không đáp ứng được mức sống trung bình? Hay là do những lý do nào khác nữa? Chúng ta cần tiếp tục nhận diện và có thêm nhiều giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này.
Chúng ta đã có được cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng". Chúng ta đang hoàn thiện thể chế, "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" để "không thể tham nhũng". Nhưng, có lẽ, quan trọng nhất vẫn là một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Ðó là tầm cao nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương |
Cán bộ là then chốt của then chốt. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ chúng ta thấy công tác cán bộ cần phải làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn như giai đoạn hiện nay. Từ việc có một bộ phận cán bộ không có lợi ích cho cá nhân thì không làm, cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm đến những bài học đau xót "vừa mất tài sản Nhà nước, vừa mất cán bộ" như lời cảnh báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang đặt ra những yêu cầu lớn hơn cho công tác cán bộ. Công tác tạo nguồn cán bộ cần phải được quan tâm, nhất là từ cơ sở; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần làm thường xuyên, nhất là thông qua công tác luân chuyển, điều động cán bộ; đội ngũ cán bộ cần phải được phân tầng qua nhiều độ tuổi để luôn có sự chắc chắn, ổn định nhưng luôn động và mở. Và có lẽ, một yếu tố cần nghiên cứu, xem xét triển khai mạnh hơn, là sự liên thông, linh hoạt trong sử dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài hệ thống công chức nhà nước vào trong hệ thống, và giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống.
Nhiệm kỳ 2021-2026 là một nhiệm kỳ đặc biệt. Qua nửa đầu nhiệm kỳ, trước tình hình chung của thế giới, trước biến động của đại dịch Covid-19 và những vấn đề trong nước, chúng ta đã thấy được bề nổi của những khó khăn. Nhưng ẩn sâu sau đó là những bước tiến lớn về nội lực của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước khi chúng ta đã vững vàng bước qua những khó khăn của thời cuộc. Như con nhộng muốn hóa thành bướm, phải nỗ lực, dựa vào nội lực để tự thay đổi mình, để tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong, và chúng ta cũng vậy.
* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Nhân Dân Online