Ngày 6/6, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã tổ chức đối thoại với các nước thành viên LHQ để trao đổi các bài học kinh nghiệm về phát triển vượt qua khủng hoảng, biến khát vọng quốc gia thành kết quả cụ thể.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, nhân dịp 45 năm quan hệ Việt Nam - LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã được mời làm diễn giả chính tại phiên họp để chia sẻ bài học thành công của Việt Nam.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, làm trầm trọng hơn nhiều thách thức khác, khiến nhiệm vụ phục hồi và duy trì ổn định phát triển kinh tế ngày càng nặng nề hơn.
Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực và năng lượng đe dọa đến các chiến lược phát triển quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo sức khỏe người dân, kiểm soát dịch hiệu quả, không đánh đổi sức khỏe của người dân để lấy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cung cấp các gói an sinh xã hội để hỗ trợ các doanh nghiệp, công nhân và những nhóm dễ bị tổn thương.
Với chính sách ngoại giao vắc xin, Việt Nam tăng cường tiếp cận nhiều nguồn như Chương trình tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX, cơ quan LHQ và các đối tác quốc tế, qua đó triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đảm bảo tất cả người dân được tiêm đủ liều vào tháng 3/2022.
Về hành động khí hậu, dù bị hạn chế không gian tài khóa, Chính phủ Việt Nam vẫn tập trung vào các ưu tiên phát triển trong dài hạn, thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, huy động nguồn lực thông qua thành lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng vào năm 2022 để huy động 15,5 tỉ USD cho hành động khí hậu.
Nhờ vậy, Việt Nam đã phục hồi hiệu quả sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% năm 2022, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý nợ hiệu quả. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 1,2% so với năm 2021 và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao.
Kết quả này đến từ các bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là sự tự cường của quốc gia, chính phủ có nhiệm vụ chính là bảo vệ và cải thiện sinh kế và môi trường cho người dân thông qua việc bảo đảm, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, rất cần tăng cường nội lực quốc gia và huy động sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội, song song với việc huy động nguồn lực từ bên ngoài thông qua tăng cường hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác, đầu tư nước ngoài và các thoả thuận thương mại tự do.
Điều quan trọng không kém là cần tránh dàn trải nguồn lực, mà nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích sự tham gia của thành phần tư nhân nhằm tăng quy mô và chất lượng tài chính cho phát triển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng tăng cường quan hệ đối tác trên cơ sở tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau là yếu tố không thể thiếu để đạt được các kết quả cụ thể trong phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh UNDP đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những đối tác quan trọng và tin cậy nhất của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.
Trao đổi tại phiên họp, đại diện UNDP và các nước đánh giá cao kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hợp lý và kịp thời, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam xây dựng sự tự chủ và độc lập trên con đường phát triển cũng như trong thúc dẩy quan hệ đối tác chặt chẽ và hiệu quả với UNDP trong nhiều khía cạnh khác nhau của phát triển bền vững.
Theo TTXVN/Vietnam+