Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, từ đó thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở. Các đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, chính sách phù hợp cho các đối tượng tái định cư, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Bến Tre.
Trước đó, tại hội trường, Quốc hội nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Cụ thể, trong phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần nói rõ các dự án hỗn hợp (nhà chung cư hỗn hợp có nhà ở, nhà phố thương mại, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) để tránh gây chồng lấn, xung đột và khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật, vì dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng quy định đối tượng này.
Đại biểu Dương Bình Phú cũng đề nghị không mở rộng đối tượng phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; đồng thời làm rõ sự cần thiết tiếp tục quy định các thành phố trực thuộc Trung ương phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng về nội dung này được quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 31 của dự thảo luật. Ngoài ra, đại biểu Dương Bình Phú còn góp ý thêm một số các quy định tại khoản 5, Điều 7; quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 89 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về việc xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; điểm c, khoản 2, Điều 92 của dự thảo luật quy định dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân; quy định tại khoản 1, Điều 21.
Ngoài ra, đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng tham gia ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan đến vấn đề chính sách nhà ở cho đối tượng là công nhân, chuyên gia làm việc tại các khu công nghệ cao; quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh…
Nêu ý kiến đối với vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà ở xã hội có 2 loại, do Nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp đầu tư). Nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, theo Bộ trưởng, trong dự thảo luật cần ghi rõ UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định giá bán và giá thuê. "Vì đất làm nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên Nhà nước đầu tư làm thì quy định giá bán cho đối tượng được mua", Bộ trưởng lý giải.
Với loại nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng cho biết, chưa có quy định giá bán do ai duyệt. "Đã là nhà ở xã hội thì tôi cho rằng, giá bán phải do Nhà nước duyệt. Bởi doanh nghiệp đầu tư, nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa", Bộ trưởng nêu ý kiến.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quy định Nhà nước quyết định giá bán thì mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc |
BTV (tổng hợp) - QUỐC LUÂN