Theo đặc phái viên TTXVN, trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Đây là cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản đầu tiên diễn ra tại Hiroshima, quê hương của Thủ tướng Kishida và là hội đàm thứ 5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida trong hơn một năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Thủ tướng Kishida và nước chủ nhà Nhật Bản đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng; đánh giá cao vai trò điều phối của Nhật Bản để đạt thống nhất trong việc giải quyết các thách thức mang tính chất toàn cầu như an ninh lương thực, giảm phát thải...
Thủ tướng Kishida bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hoan nghênh sự tham gia, đóng góp tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam, góp phần vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng; khẳng định Việt Nam có vị thế quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực.
Trong bầu không khí hữu nghị, thân tình và tin cậy, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ hai nước trong thời qua; nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới.
Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trong năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời thăm Việt Nam của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tới Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ quốc phòng, an ninh mạng; thúc đẩy trao đổi về các nội dung Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; khẳng định tăng cường liên kết hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai bên hoàn thành thủ tục cam kết vốn chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với quy mô 50 tỉ yen và nhất trí sẽ giao các bộ, ngành phụ trách trao đổi về khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hai nước thúc đẩy tiến độ một số dự án hợp tác ODA như Bệnh viện Chợ Rẫy 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chứng kiến trao đổi văn kiện ký kết các văn bản hợp tác ODA thế hệ mới giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: TTXVN |
Về dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực trao đổi trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn của dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho Việt Nam để tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị Nhật Bản khuyến khích nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực trong lĩnh vực phân phối, chế biến; thúc đẩy thủ tục và phối hợp thời điểm sớm công bố quả nho Nhật Bản vào Việt Nam và quả bưởi da xanh Việt Nam vào Nhật Bản.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi tại Nhật Bản, trở thành cầu nối trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hai bên khẳng định phối hợp lập trường trong các vấn đề cùng quan tâm trên các diễn đàn đa phương, khu vực như ASEAN, LHQ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...
Thủ tướng Kishida mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm lại Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023.
Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở iển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Trước hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỉ yen (khoảng 500 triệu USD) gồm: Chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản. Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác.
Theo TTXVN/Vietnam+