Chủ Nhật, 24/11/2024 14:29 CH
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Thứ Sáu, 19/05/2023 06:17 SA

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu. Ảnh: TL

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy, đó là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

 

Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề tự lực, tự cường được đề cập bình dị, sâu sắc và có giá trị thực tiễn hết sức bền vững. Tư tưởng tự lực, tự cường không chỉ là nền tảng cho công cuộc giải phóng đất nước mà còn là sự chỉ dẫn hết sức quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Ý chí tự lực, tự cường trong giải phóng đất nước

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, nhấn mạnh vấn đề tự lực, tự cường dân tộc và rất chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong quá trình tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước. Ý chí tự lực, tự cường là tư duy nổi bật, nhất quán trong toàn bộ hoạt động chính trị của Người. Bác Hồ cho rằng, tự lực, tự cường là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự cường, tự chủ thì không còn là con người đúng nghĩa. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở thực hiện phương châm: “Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp lấy mình”. Bởi, nguyên lý cốt lõi của vấn đề tự lực, tự cường là: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Vì vậy, tự lực, tự cường tức là dựa vào sức mình là chính, tự mình tạo lập thế và lực cho cách mạng, tự chủ xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách và biện pháp giải phóng đất nước, giành tự do, độc lập cho dân tộc. Cần nhận thức rõ, ý chí tự lực, tự cường là đặc trưng nổi bật của bản lĩnh, văn hóa con người Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, tạo thành ý chí, tinh thần bất khuất Việt Nam trong các cuộc chiến tranh đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược. 

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, trở thành nhà thiết kế, thi công vĩ đại sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nội dung mang tính chỉ dẫn của ý chí tự lực, tự cường là: không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng; chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Ý chí tự lực, tự cường theo Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự biểu thị ý chí, năng lực của cá nhân, tổ chức và quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tự lực, tự cường của từng cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành sự tự lực và tự cường của tập thể, đất nước, dân tộc. Bởi vậy, Người đã nêu rõ quyết tâm, ý chí, phương pháp cách mạng, thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta trong thế kỷ XX đã chứng minh rõ, bằng sự vận dụng ý chí tự lực, tự cường dân tộc một cách đúng đắn khoa học nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Nâng tư tưởng Hồ Chí Minh lên tầm cao mới

 

Ngay sau khi Việt Nam vừa giành được độc lập, trong Thư gửi các học sinh viết vào tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Thông qua lời chỉ dạy này cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ về trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là ý chí tự lực, tự cường dân tộc.

 

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì mục tiêu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là một sự nghiệp hết sức lớn lao, sâu sắc và toàn diện, đòi hỏi mọi thế hệ người Việt Nam phải chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đã được Đảng đề ra. Trong bối cảnh quốc tế và đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ Việt Nam cần ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và phẩm chất cách mạng nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là thế hệ rường cột của đất nước trong thời đại cách mạng 4.0. Cần nhận thức sâu sắc rằng, ngày nay tự lực, tự cường dân tộc không chỉ là vốn, là cơ sở vật chất hay ý chí, quyết tâm thuần túy mà nó phải được nâng lên tầm cao trí tuệ của con người Việt Nam.

 

Khẳng định một cách nhất quán rằng, phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc trong thế kỷ XXI đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc phải trên nền tảng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ hiện đại. Nếu không bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra như vũ bão thì dân tộc ta sẽ bị tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phát triển kinh tế số, chuyển đổi số không chỉ dành riêng cho lĩnh vực kinh tế - xã hội mà quốc phòng - an ninh và các lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao… cũng đòi hỏi rất cao. Rõ ràng, trong thế giới hiện đại, một quốc gia muốn chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước trở thành giàu về kinh tế, hùng mạnh về quốc phòng - an ninh thì phải phát huy lên tầm cao mới tự lực, tự cường dân tộc thông qua con đường phát triển khoa học công nghệ. Trí tuệ Việt Nam đang vươn tầm quốc tế, điều đó minh chứng tự lực, tự cường dân tộc đang bước sang trang mới.

 

Phát huy những thành tựu to lớn, toàn diện đạt được sau hơn 35 năm đổi mới, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đặc biệt, việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có ý chí tự lực, tự cường, có khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đánh giá về thành tựu của công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là lời khích lệ to lớn, lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ quốc giao phó. 

 

Đại tá, PGS.TS HOÀNG MINH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek