Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND do Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày đã nêu rõ sự cần thiết cũng như mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi nghị quyết.
Việc sửa đổi nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý cán bộ; bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi nghị quyết cũng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13, tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ.
Ngoài ra, rà soát các quy định của Hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14 ngày 2/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm là đúng, hợp lý để bổ sung vào Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 3 biểu mẫu mới.
Nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; điều khoản thi hành.
Về điểm mới của Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Nghị quyết cơ bản giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13 và điều chỉnh một số nội dung gồm: bỏ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 không còn quy định chức danh này; đổi cụm từ “các thành viên khác của Ủy ban Nhân dân” thành cụm từ “các Ủy viên của Ủy ban Nhân dân” cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội vào điểm b khoản 2 Điều 1 dự thảo Nghị quyết cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm (điểm 6 Điều 1) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW.
Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW, bổ sung thêm một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; quy định về số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tham dự phiên họp lấy phiếu tín nhiệm...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ban Công tác đại biểu chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu đề nghị làm rõ tên gọi, phạm vi, đối tượng áp dụng Nghị quyết… Dự thảo Nghị quyết phải nói rõ căn cứ đánh giá tín nhiệm để thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW, phù hợp với hoạt động của HĐND và Quốc hội. Hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm viện dẫn, thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng.
Theo TTXVN/Vietnam+