Thứ Ba, 26/11/2024 15:49 CH
Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh hướng đến chuẩn của OECD
Thứ Bảy, 22/04/2023 17:32 CH

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Sáng 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài nhằm lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

 

Cam kết đầu tư thêm 4 tỉ USD trong thời gian tới

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỉ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

 

Đây là những kết quả đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

 

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, LEGO Manufacturing Việt Nam, Intel Products Việt Nam, Tập đoàn Bosch Việt Nam, Tập đoàn dược phẩm Sanofi tại Việt Nam… đã phát biểu nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; đồng thời có các đề xuất, kiến nghị để phát triển nhanh, bền vững.

 

Các hiệp hội, doanh nghiệp FDI đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong lúc nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

 

Các đại biểu vui mừng khi Chính phủ Việt Nam có những nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài bằng các biện pháp; tin tưởng nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi và nếu các chính sách chủ đạo của Chính phủ Việt Nam bắt đầu phát huy hiệu quả thì đầu tư nước ngoài cũng sẽ dần tăng trở lại; cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài, ổn định tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đưa ra các cam kết đầu tư với tổng số vốn gần 4 tỉ USD.

 

Các doanh nghiệp cũng phản ánh một số vấn đề, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết như: đẩy nhanh tốc độ xử lý và giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; xem xét điều chỉnh một số loại phí, thuế, trong đó có cân nhắc trong áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; cải cách quy định về đấu thầu; phòng cháy, chữa cháy; có chính sách về điện phù hợp và ổn định, trong đó sớm thông qua Quy hoạch điện VIII; khẩn trương điều chỉnh chính sách visa; đơn giản hóa quy định về lao động, tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam; chuẩn bị cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi…

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại diện tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

 

Điểm sáng trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn

 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu; giải đáp cơ bản các vấn đề mà đại biểu quan tâm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp thu giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.

 

Thủ tướng đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội đến hầu hết các quốc gia, khu vực.

 

Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, trên cơ sở kiên định, kiên trì các mục tiêu, định hướng chiến lược đề ra; đồng thời ứng phó linh hoạt, uyển chuyển, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, sát thực tiễn, trong điều kiện một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở cao trong khi sức chống chịu còn hạn chế, Việt Nam đã giảm thiểu được những tác động bất lợi của các yếu tố từ bên ngoài và bên trong, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

 

Các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực được tập trung triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.

 

Việt Nam là một số ít quốc gia được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nâng mức tín nhiệm quốc gia trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn.

 

Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng “Ổn định”. S&P nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB lên BB+, triển vọng “Ổn định.” Fitch duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.

 

Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển và có thương hiệu quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

 

Theo báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 đạt 319 tỉ USD đến năm 2022 đạt 431 tỉ USD.

 

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên với quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng và an an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Xếp hạng hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, lên thứ 65 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

 

Thủ tướng nhấn mạnh có được những thành quả như trên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đoàn kết, đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam rất trân trọng, đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư, ngay cả trong những lúc rất khó khăn như những năm đầu Đổi mới, trong các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đại dịch COVID-19.

 

Trong những năm qua, hoạt động FDI tại Việt Nam ngày càng sôi động. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI lớn với công nghệ hiện đại đang đầu tư, mở rộng đầu tư với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

 

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng trong thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 và nỗ lực cùng Việt Nam vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

 

Thủ tướng đánh giá thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, như ý kiến của nhiều đại biểu đã nêu. Trong đó, việc OECD chuẩn bị kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động FDI trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hội nghị thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình chung: khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tác động, ảnh hưởng đa chiều đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Theo Thủ tướng, tình hình lúc nào cũng có những khó khăn, hết khó khăn này lại đến khó khăn khác cần giải quyết. Vì vậy, cần tăng cường phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam để có đối sách phù hợp, xác định một số trọng tâm, trọng điểm, các bên cùng cố gắng với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, vì lợi ích chung của cả hai phía: cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước, nhân dân Việt Nam.

 

Thành công đến từ sự hợp tác, tin tưởng, chung sức, đồng lòng

 

Cùng với nêu rõ quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

 

Theo Thủ tướng, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong số đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

 

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD gồm: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

 

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

 

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, bảo đảm yếu tố cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03 ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; phát triển thị trường trong nước gắn với mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu…

 

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển để đón vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI có tính lan tỏa cao, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, vì lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu..

 

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh các hiệp hội là “cánh tay nối dài” của Chính phủ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; tích cực tham gia tư vấn chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm hay, bài học quý.

 

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển. Đề nghị chúng ta hãy cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng chia sẻ.

 

Trên quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ đổi mới; thành công đến từ sự hợp tác, tin tưởng, chung sức, đồng lòng”, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, chung tay, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục quyết liệt hành động và đạt được nhiều thành công hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài, bền vững cho cả cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek