Sáng 10/4, Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 đã khai mạc tại Trụ sở Chính phủ, nhằm xem xét, cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội; việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiện nay đã hết quý 1/2023 và 1/3 của tháng 4, rất nhiều công việc phải thực hiện, Chính phủ chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện song ưu tiên số một vẫn là thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Hằng tháng, Chính phủ có một phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong khi thực tiễn vẫn diễn biến nhanh, khó lường. Do đó, Chính phủ phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng pháp luật.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã chủ động rà soát các văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc, trên cơ sở đó điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để khơi thông quá trình phát triển. Quốc hội đã tích cực, đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những vướng mắc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, cần tập trung chuẩn bị, quyết liệt thực hiện, vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng và theo đúng quy trình xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Tư. Ảnh: TTXVN |
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Chính phủ xem xét hôm nay đều là những dự án luật quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, cần sớm tháo gỡ về thể chế.
Do đó, Chính phủ phải tập trung trí tuệ, thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng liên quan để hoàn thiện.
Cũng theo Thủ tướng, trong khi trình các dự án luật và chờ các luật có hiệu lực, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh thì tiếp tục tổng hợp xử lý theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển, thực thi, nếu phát sinh vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến để sửa đổi, bổ sung; đồng thời đẩy mạnh truyền thông chính sách để việc hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao.
Theo TTXVN/Vietnam+