Thứ Tư, 27/11/2024 14:33 CH
Kế thừa, phát huy giá trị “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Chủ Nhật, 12/03/2023 07:00 SA

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, đối với kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.

 

Các đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Cách đây 80 năm, vào tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa.

 

Trải qua tiến trình lịch sử với nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần đấu tranh giành thắng lợi độc lập dân tộc, định hướng, khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong tình hình mới.

 

Không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển

 

Ngay trong phần mở đầu, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” xác định rõ phạm vi và nội hàm của văn hóa bao gồm 3 thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, thể hiện tư duy mạch lạc và sự tiến bộ vượt thời đại trong bối cảnh xã hội Việt Nam vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 3 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa; thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm; quần chúng nhân dân là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

 

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được kế thừa, phát triển. Trong ảnh: Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Minh và các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật bài chòi tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, từ sự kế thừa các giá trị về lý luận của đề cương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển về văn hóa, đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới. Tư tưởng lý luận của đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 

Trong suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển, từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa. Thực tiễn văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa, văn học, nghệ thuật đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người Việt Nam; đang dần vươn ra thế giới với nhiều giá trị, sản phẩm độc đáo được bạn bè quốc tế trân trọng và đón nhận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

 

Nền tảng để xây dựng và phát triển tỉnh nhà

 

Ở Phú Yên thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, quan điểm, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng con người từng bước được nâng lên; nhiều phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội… thực sự mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực và đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tác động tích cực đến việc xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện.

 

Đề cương về văn hóa Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

 

Phú Yên xác định xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện là một trong những nền tảng để xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Để tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia tích cực của Nhân dân trong xây dựng và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, Nhân dân các nội dung: ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về văn hóa, con người Phú Yên; Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện” gắn với thực hiện Chương trình hành động 15-CTr/TU, ngày 19/11/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện giai đoạn 2021-2025.

 

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa; tiếp tục quan tâm đầu tư, chế độ, chính sách trên lĩnh vực văn hóa. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, đúng đường lối của Đảng, hướng về Nhân dân, phục vụ sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng CNXH; ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác, cái bất công, cái xấu; hướng con người vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ; đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng, quan điểm sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn hóa tỉnh nhà.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong ảnh: Một tiết mục ngợi ca đất nước tại chương trình nghệ thuật mừng xuân Quý Mão 2023. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Thứ tư, chú trọng kiểm soát việc xuất bản, phát hành, công chiếu các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ nội dung, sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm độc hại, phản văn hóa; kiên quyết thu hồi và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình viết, in ấn, phát tán những ấn phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

Thứ năm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, Nhân dân trong việc tuân thủ quy định về phát ngôn, đưa thông tin, tác phẩm lên mạng xã hội. Khuyến khích các nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, quần chúng có uy tín tham gia sáng tác, bảo tồn, truyền dạy, phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tiếp tục thực hiện việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ca ngợi đất nước, con người, quê hương Phú Yên đi vào chiều sâu thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.

 

BÙI THANH TOÀN

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek