Ngày 24/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các địa phương, về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ giải pháp thời gian tới.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, 63 địa phương trên cả nước.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, trong năm 2022, cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4,4% so với năm 2021; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Về kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, tính đến ngày 31/1/2023, đã có hơn 13.700 tỉ đồng được giải ngân, đạt hơn 57% kế hoạch.
Cập nhật từ các địa phương, đến ngày 31/1/2023 có 14 địa phương đã giải ngân hơn 312 tỉ đồng; ước đến ngày 28/2 có 17 địa phương giải ngân được hơn 545 tỉ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Trung ương năm 2023 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Phiên họp, một số bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị nhiều nội dung còn vướng mắc trong quá trình thực hiện như: một số văn bản chồng chéo, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư công, điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của đại diện các đơn vị dự họp. Đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại từ năm 2022, Phó Thủ tướng nhận định, đối với các cơ quan Trung ương, khó khăn là việc còn 2/73 văn bản nợ đọng, nhiều văn bản còn chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế của một số địa phương. Ở địa phương, việc triển khai theo văn bản có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực hiện còn chậm.
Phó Thủ tướng lưu ý nguồn vốn triển khai năm 2022 tính đến hết ngày 31/1/2023 chỉ đạt hơn 57%. Toàn bộ vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp năm 2022 được chuyển hết sang năm 2023. Bên cạnh đó, trong năm 2023, vốn được giao sẽ cao hơn năm 2022 khoảng 41%, nghĩa là áp lực triển khai vốn trong năm nay cực kỳ lớn.
Trong số những khó khăn, vướng mắc trên, một số đã được xử lý tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với 339 ý kiến ghi nhận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, có 159 kiến nghị đã có văn bản nhưng phản ánh không rõ ràng, gây khó hiểu. Về việc này, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị rà soát, triển khai văn bản hướng dẫn lại theo nguyên tắc rõ ràng nhất có thể, hoàn thành trước ngày 1/3.
Đối với 93 kiến nghị là có văn bản hướng dẫn nhưng nội dung chưa rõ ràng hoặc có sự xung đột, chồng chéo lẫn nhau, ngày 15/3 tới các đơn vị liên quan có danh mục kèm Công điện số 71.
Về 47 kiến nghị cho rằng có sự chồng chéo giữa ba công văn và 2 thông tư cùng việc các chương trình mục tiêu quốc gia có sự xung đột lẫn nhau, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, xử lý trước ngày 31/3.
Đề cập đến 33 kiến nghị liên quan đến sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xử lý, hoàn tất trước ngày 31/3.
Phó Thủ tướng cho rằng do đây là 3 chương trình đơn lẻ với 3 bộ tiêu chí khác nhau nên việc lồng ghép là cực kỳ khó khăn. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tìm hướng triển khai công tác này.
Nhất trí với việc cần chuẩn bị cho đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện báo cáo trình Quốc hội giám sát, trên cơ sở đó, rà soát lại những việc đã làm được.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương tránh thực hiện các chương trình theo hướng dàn trải, phân tán; hạn chế tối đa việc giao chủ đầu tư cho cấp xã. Cùng với đó, thực hiện theo nguyên tắc cấp nào quyết định đầu tư, cấp đó được quyền điều chỉnh và chỉ điều chỉnh trong nội bộ từng chương trình.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất giải pháp từ cơ sở để Ban Chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, thực hiện chương trình hiệu quả.
Theo TTXVN/Vietnam+