Thứ Tư, 09/10/2024 15:28 CH
Bác Hồ chăm lo sự nghiệp trồng người
Thứ Hai, 22/09/2008 07:30 SA

Đầu thế kỷ XX, trên đường vào Sài Gòn để từ đó ra nước ngoài tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc trẻ) có dừng lại ở thị xã Phan Thiết và được mời tham gia giảng dạy tại Trường Dục Thanh.

 

bh-080922.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội (25/11/1961) - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Hồi đó, Trường Dục Thanh là một trường tiến bộ, cả nước biết tiếng. Dù thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh chỉ có 9 tháng, nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại dấu ấn sâu đậm, mở ra một chân trời mới cho một nền giáo dục tiên tiến mà sau này, khi nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra thành nguyên lý chỉ đạo nền giáo dục mới của nước ta. Đó là việc phát huy trí sáng tạo của học sinh trong suốt quá trình học tập, đó là học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tế, nhà trường gắn liền với xã hội. Đó là phương châm giáo dục toàn diện cả đạo đức, văn hóa, kỷ luật, nghề nghiệp và rèn luyện thân thể.

 

Những ngày nghỉ, thầy Thành đưa học sinh đến thăm các gia đình nghèo ở bến cá Cồn Chà, bãi biển Thương Chánh. Qua những lần đi dã ngoại này, thầy Thành tranh thủ giảng thêm cho các em về địa lý, lịch sử nước nhà, về các anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo...

 

Thầy Thành cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào tập thể dục ở Trường Dục Thanh. Sáng sáng, số học sinh nội trú được thầy Thành hướng dẫn tập thể dục tại sân trường.

 

Thầy Thành dạy học sinh bằng tất cả tình thương yêu, không bao giờ mắng mỏ, đánh học sinh (ngày đó, nhiều trường, kể cả Trường Dục Thanh, các thầy thường la mắng, đánh học sinh khi chúng không thuộc bài hoặc phạm lỗi).

 

Bất kỳ hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm đến giáo dục. Khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (tên Bác Hồ lúc ở nước ngoài) đã lớn tiếng tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp là “làm cho dân ngu để dễ bề cai trị” và “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”. Năm 1919, thay mặt Hội người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội các cường quốc ở Mác-xây bản yêu sách, trong đó có điểm đòi để cho nhân dân Việt Nam được “tự do học tập”, nhà nước phải “mở các trường học, các trường kỹ thuật, nghề nghiệp ở các tỉnh”...

 

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đưa 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay mà nhiệm vụ cấp bách thứ hai là chống giặc dốt (sau nhiệm vụ chống giặc đói). Bởi vì, theo Người “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà thực dân Pháp dùng để cai trị chúng ta”, và “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

 

Gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên sau khi nước nhà độc lập Bác Hồ viết: “Ngày nay các cháu được cái may mắn hơn cha anh là được hưởng nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các cháu nên những người công dân có ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các cháu... Nước nhà trông mong chờ đợi ở các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu...”.

 

Với tầm nhìn xa, trông rộng, bên cạnh phát huy nội lực, cần phải có sự giao lưu hội nhập với các nền văn hóa khác, học tập, tiếp thu những thành quả khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam. Muốn vậy, cần gửi nhiều học sinh đi học tập, đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới. Ngày 1/11/1945, sau khi nước nhà vừa giành được độc lập 2 tháng, Bác đã viết thư gửi chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ nguyện vọng “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định: một mặt thiết lập những mối quan hệ thân thiết về văn hóa với thanh niên Mỹ, một mặt xúc tiến việc nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Đáng tiếc là chính phủ Mỹ không phúc đáp lời đề nghị đó của Bác. Chủ trương này của Bác đã được Đảng và Nhà nước ta từng bước thực hiện, đưa hàng ngàn học sinh, sinh viên sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác học tập, nghiên cứu, trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhà khoa học đầu đàn của nước ta sau này.

 

Quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo, trong hơn nửa thế kỷ qua, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu, nền giáo dục của nước nhà vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển.

 

Ngay như Phú Yên, một địa phương xa Trung ương, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tỉnh đã cho mở nhiều trường học ở khắp các địa phương, đồng thời quyết định thành lập Trường cấp II Lương Văn Chánh. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với truyền thống “yêu nước, học giỏi, kính thầy, mến bạn”, Trường Lương Văn Chánh từ một cơ sở ban đầu nhỏ bé, đã phát triển thành nhiều phân trường ở các huyện, góp phần đào tạo cho tỉnh nhà (và cho cả nước) nhiều cán bộ giỏi, chiến sĩ ưu tú góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

 

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, coi việc phát triển giáo dục - đào tạo là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo mãi mãi tỏa sáng bởi tính cách mạng, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Cả đời Hồ Chủ tịch chỉ có một ham muốn, ham muốn tộc bậc là “làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Mong muốn của Bác, cũng là lời huấn thị vô cùng quý giá để chúng ta học tập, làm theo, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về công tác giáo dục - đào tạo, khắc phục mọi yếu kém, bất cập hiện nay, đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt được nhiều kết quả thiết thực nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ đạo đức và tài năng phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek