Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá.
Cần đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết cơ quan soạn thảo đã ghi nhận và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Giá với 21 luật chuyên ngành có quy định về giá.
Đồng thời, dự thảo luật cơ bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, xử lý các vướng mắc, khắc phục những bất cập, tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Giá rất khó vì tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân; quan hệ kinh tế và cung cầu của thị trường. Do đó, cần phải có đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều để giải quyết thấu đáo các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn luôn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đối với chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra rằng báo cáo của cơ quan soạn thảo chưa làm rõ được căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, chưa có dự thảo danh mục đi kèm để cung cấp kịp thời tới đại biểu Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để đại biểu Quốc hội có căn cứ, cơ sở để biểu quyết thông qua luật.
Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, có 13/72 điều giao Chính phủ quy định, trong khi đó có nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện trong luật.
Đại biểu nhấn mạnh Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Thực tế cho thấy, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến sự bình ổn của thị trường.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch và cần được quy định rõ trong luật để tránh sự tùy tiện trong việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Luật Giá năm 2012 đã có những đóng góp nhất định trong quá trình kiểm soát giá, góp phần kiểm soát lạm phát ở Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là công tác kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về giá cả. Công tác dự báo, ứng phó với những biến động bất thường còn hạn chế. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, quản lý giá và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc thực thi pháp luật về giá.
Theo đại biểu, Chương 7 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá chỉ có ba điều, khoản; chưa làm rõ được nội dung giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật. Do đó, cơ quan soạn thảo cần gia cố thêm nội dung và làm rõ hơn vai trò của cơ quan tham gia trong việc kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như việc xử phạt khi vi phạm các điều khoản của luật này.
Tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án luật này. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét.
Về mối quan hệ của Luật Giá (sửa đổi) và các Luật khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện có 21 luật có quy định về giá. Để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá, Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa.
Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành sẽ quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại Luật chuyên ngành. Về hiệp thương giá, dự án luật không xác định phạm vi và chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan Nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài.
Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính Ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.
Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn. Kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và quy định chi tiết hơn nữa về nội dung này.
Đối với nhiều nội dung khác của dự án luật, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này trình Quốc hội xem xét…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá, đảm bảo khả thi, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến về các điều khoản cụ thể như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính cụ thể, tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các ý kiến của các đại biểu được ghi chép, tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Theo TTXVN/Vietnam+