Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận tại tổ với 124 ý kiến phát biểu tại 19 tổ. Cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Rà soát lại chính sách hỗ trợ hợp tác xã
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về đất đai và các hình thức khác cho để hợp tác xã phát triển.
Theo đại biểu Khang Thị Mào, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật và các quyết định của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2026; ban hành và tổ chức nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị, thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Tỉ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức thấp do nhiều địa phương khó khăn trong bố trí nguồn lực, điều kiện và thủ tục hỗ trợ khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Với những hạn chế trên, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ quy định tại Chương II, nhất là Điều 19 quy định về những nội dung chính sách, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cơ chế thúc đẩy, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp.
Cũng đề cập đến Điều 19 quy định về những nội dung chính sách, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, dự thảo thể hiện chưa rõ ràng giữa các ưu đãi của nhà nước. Theo đó, hai nội dung được quy định tại Điều 19 là nhiệm vụ, chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước phải làm, hai là quyền và tổ chức kinh tế hợp tác. Nội dung này tạo nên sự khó hiểu, rắc rối không cần thiết. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại để có thể tách Điều 19 thành hai điều cụ thể; một điều quy định về những chính sách lớn mà Nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và một điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng và hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng.
Lựa chọn tên gọi luật đảm bảo bao quát, chính xác, phù hợp
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng nên giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt. Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật. Nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cũng cho rằng cần thiết xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững. Đại biểu thống nhất giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã để đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh, tránh xáo trộn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Quan tâm đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đại biểu, tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.
Đánh giá việc xây dựng Luật hợp tác xã sửa đổi là phù hợp, cần thiết nhằm tạo chuyển biến tích cực cho các kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định điều này góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nêu cách nhìn khác về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng tên gọi “Luật các tổ chức kinh tế hợp tác” chưa xác định chính xác và đầy đủ các tổ chức kinh tế hợp tác. Nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý, vì có nhiều hình thức, mô hình khác của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, chính xác và phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc đưa những thuật ngữ “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức", vốn chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng khi áp dụng pháp luật sẽ không có sự tương đồng, ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch. Đại biểu đề nghị cần rà soát, cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí thực hiện chính sách trong Điều 17 của dự thảo luật.
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
Thay mặt Chính phủ giải trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của Cơ quan thẩm tra và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường, Bộ trưởng đã làm rõ một số nội dung còn nhiều ý kiến.
Về tên gọi của dự án luật, Bộ trưởng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật Hợp tác xã; một số ý kiến cho rằng cần thay đổi cho phù hợp với các nghị quyết, tinh thần chỉ đạo đổi mới phát triển, bao quát được hết các đối tượng. Vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.
Về mô hình liên đoàn hợp tác xã, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời đây cũng là là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh.
“Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", Bộ trưởng cho biết.
Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Về tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+