Cách đây 76 năm, ngày 9/11/1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I thông qua.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN |
Với ý nghĩa lịch sử đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
10 năm qua, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ
Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ".
Tháng 11/1945, Bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo với những nội dung mơ ước bao đời về độc lập, tự do. Và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I thông qua ngày 9/11/1946 với sự nhất trí của 240/242 đại biểu.
Hiến pháp gồm 7 chương nói về chính thể nhà nước ta là nhà nước dân chủ cộng hòa, nghĩa vụ cơ bản của nhân dân Việt Nam, quy định tổ chức bộ máy nhà nước, đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân và xây dựng chính quyền vững mạnh.
Sự ra đời Hiến pháp năm 1946 là khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh (10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ), bản Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, nhưng những tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 luôn được Chính phủ lâm thời và Ban Thường vụ Quốc hội áp dụng, điều hành đất nước. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này.
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Ngày 9/11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó, Đảng, Nhà nước đã lựa chọn là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Qua 10 năm tổ chức, Ngày Pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có nhiều tiến bộ quan trọng.
Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, tuyên truyền về IUU... cho ngư dân Quảng Bình. Ảnh: TTXVN |
Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế. Những tiến bộ về công tác xây dựng, hoàn thện thể chế của Việt Nam được quốc tế ghi nhận.
Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội... đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.
Đặc biệt, qua hơn hai năm phòng, chống đại dịch COVID-19, việc tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu và tình nguyện viên đã không quản khó khăn, nguy hiểm để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, quy định pháp luật về phòng, chống dịch và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác này tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét. Nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật dần dần hình thành và phát triển.
Ngoài ra, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với các văn bản hướng dẫn thi hành, các đề án, chương trình mà Chính phủ ban hành, đã nhận được sự hưởng ứng của địa phương, các cấp, các ngành. Đặc biệt, một chủ thể vô cùng quan trọng là sự vào cuộc, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trình độ dân trí, nhận thức, kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên rất nhiều.
Người dân không chỉ dừng ở biết, hiểu pháp luật, mà còn tự giác trong vấn đề tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đó là tác động vô cùng quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đời sống xã hội. Tính kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ đã được nâng lên. Vấn đề thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đã thực sự thấm sâu và lan tỏa trong đời sống xã hội.
"Ngày Pháp luật" không chỉ là mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, mà còn là ngày hội toàn dân tìm hiểu pháp luật, chung sức vì sự hoàn thiện và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.
Vì thế, ngày này trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngày Pháp luật nhắc nhở mọi người về trách nhiệm đối với xã hội, về ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi tổ chức, cá nhân để cùng chung tay xây dựng một nền pháp luật công bằng, dân chủ.
Nhà nước, xã hội và mỗi người dân cùng quyết tâm thực hiện thì Ngày Pháp luật sẽ luôn song hành với chúng ta không chỉ trong ngày 9/11 mà các ngày trong năm, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ luôn hiện hữu qua hành vi của mỗi người, giúp xây dựng, củng cố vững chắc nền pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo TTXVN/Vietnam+