Ngày 7/11, tại Nga cũng như nhiều nước trên thế giới diễn ra các hoạt động trọng thể kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20.
Cách đây 105 năm, thành công của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã thay đổi hoàn toàn số phận của nước Nga, đánh dấu việc ra đời của nước Nga XôViết - nhà nước công nông, chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, xây dựng nên một xã hội kiểu mới, đưa quần chúng công - nông từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công cũng cổ vũ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, khi vào thời điểm đó, hầu hết các nước châu Á, châu Phi đều bị các nước thực dân phương Tây xâm chiếm và biến thành thuộc địa.
Chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười đã tạo xung lực cho công cuộc đấu tranh nhân dân nô lệ trên toàn thế giới, góp phần định hình quan hệ quốc tế kiểu mới, theo đó tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, mang lại sự công bằng và bình đẳng trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa đến như thế".
Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng những tinh hoa, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng, là nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, trên con đường đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Vào mùa Thu năm 1917, nước Nga và đảng Bolshevik đứng trước thời điểm lịch sử. Sự tham gia của đế quốc Nga vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất gây tổn hại biết bao sinh mạng, của cải. Thái độ của chính phủ lâm thời lúc đó không muốn đáp ứng nguyện vọng của quần chúng là ký hiệp ước hòa bình và giải quyết vấn đề chia ruộng đất của địa chủ cho nông dân, thảm họa kinh tế và sự hỗn loạn xã hội đã tăng lên đến mức thấy rõ dấu hiệu sụp đổ.
Ngày 25/10/1917 (theo lịch cũ của Nga), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga, đứng đầu là lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I Lênin và đảng Bolshevik Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân.
Một nhà nước kiểu mới được xây dựng trên nền tảng loại bỏ áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, không có người bóc lột người. Cách mạng Tháng Mười đánh dấu sự mở đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
Như khẳng định của Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Zyuganov, Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là bước đột phá, là cột mốc vĩ đại trên con đường nhân loại tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Công nhân của xưởng làm trong thành phố Petrograd biểu tình tháng 7, năm 1917. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN |
Cách mạng Tháng Mười Nga còn tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc khác; tiếp sức cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tạo ra một cao trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm rung chuyển nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ra đời, đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của thế giới hiện đại.
Thành công của Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa to lớn đối với con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam; trở thành một sự kiện bước ngoặt của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Đó là việc biến ý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành hiện thực.
Với sự xuất hiện và tồn tại gần 80 năm của nước Nga Xô viết và sau đó là Liên bang XôViết (Liên Xô), nhân loại đã được chứng kiến những biến đổi kỳ diệu của đời sống con người trên diện tích 1/3 Trái Đất, chiến thắng oanh liệt của Hồng quân Liên Xô và đồng minh cứu loài người khỏi thảm họa phátxít và rất nhiều thành tựu to lớn mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đã mang lại.
Trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực trên 1/6 địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp cận, tiếp thu và vận dụng sáng tạo rất thành công những tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Qua nhiều thập niên, chủ nghĩa xã hội đã chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước đòi hỏi của thực tiễn những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 35 năm Đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; hội nhập sâu rộng và toàn diện, nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
Pano chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam còn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), LHQ…
Bên cạnh đó, ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đặc biệt sau hơn 2 năm vừa chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn được đánh giá là "điểm sáng" về tăng trưởng sau đại dịch. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội, quyền con người bảo đảm.
Với đường lối tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới như các vấn đề hòa bình, phát triển, xóa đói nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu…, Việt Nam đang trở thành một thành viên ngày càng có vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế, được quốc tế tin tưởng, mà minh chứng mới nhất là việc Việt Nam vừa được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Những thành quả sau hơn 35 năm Đổi mới đất nước đã góp phần chứng minh tính đúng đắn và phù hợp của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam "là kết quả của quá trình đổi mới có nguyên tắc, năng động trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa và giá trị hiện thực của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung".
Theo TTXVN/Vietnam+