Thứ Tư, 02/10/2024 02:15 SA
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung 6 tháng cuối năm 2022
Thứ Hai, 18/07/2022 22:44 CH

Ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: MINH ĐĂNG

(Trình bày tại Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khóa VIII)

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, tỉnh ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19, thiên tai diễn biến bất thường, giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nền kinh tế của tỉnh và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động phòng chống dịch, nên tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh sớm được kiểm soát, nền kinh tế từng bước ổn định, phục hồi và có mặt phát triển, cụ thể:

 

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm dự ước đạt 5,22% (là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ những năm trước, 6 tháng năm 2021 tăng 4%; 6 tháng năm 2020 tăng 1,93%) (kế hoạch 7%).

 

+ Tổng thu ngân sách trên địa bàn 2.646 tỉ đồng, đạt 39,8% kế hoạch, giảm 12,8% so với cùng kỳ (kế hoạch 6.642 tỉ đồng).

 

+ Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 112 triệu USD, đạt 54,1% kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ (kế hoạch 207 triệu USD).

 

+ Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8.926,7 tỉ đồng, đạt 41,1% kế hoạch, giảm 1,7% so với cùng kỳ (kế hoạch 22.200 tỉ đồng).

 

+ Tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 71% (kế hoạch 73%)

 

+ Tỉ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,6% (kế hoạch 92%).

 

+ Tỉ lệ lao động tham gia BHXH/tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế là 16,6% (kế hoạch 17,1%).

 

+ Tỉ lệ giao quân đạt 100% chỉ tiêu theo quy định.

 

Cụ thể trên một số lĩnh vực như sau:

 

Người dân vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên phục vụ phát triển kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

 

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN TỪNG LĨNH VỰC

 

1. Về kinh tế:

 

- Sản xuất nông - lâm - thủy sản cơ bản ổn định; tổng giá trị sản xuất ước tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 0,19%, lâm nghiệp tăng 26,3% và thủy sản tăng 8,4%. Do ảnh hưởng thiên tai, năng suất lúa vụ đông xuân giảm 12,6 tạ/ha. Một số cây trồng khác nhờ nhân rộng các mô hình sản xuất, sử dụng giống mới nên năng suất đạt khá và tăng so với cùng kỳ như: Sắn tăng 0,2%; mía tăng 4%; lạc tăng 1,1%. Một số vùng trồng cây ăn trái tập trung (như: cam, quýt, ổi, bưởi, bơ, sầu riêng...) trên địa bàn các huyện miền núi tiếp tục nhân rộng, phát triển, bước đầu cho sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định; riêng đàn heo tăng 6,8% và sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5% so với cùng kỳ. Công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng được chú trọng; tuy nhiên số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tăng 48 vụ so cùng kỳ. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản được đẩy mạnh. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 36%; sản lượng thủy sản khai thác tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ (trong đó cá ngừ đại dương đạt khoảng 2.400 tấn, tăng 9,9%).

 

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, đã quyết định công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao, 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 5 vườn mẫu nông thôn mới. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 17,4 tiêu chí/xã; có 60/83 xã nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 6 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 9 vườn mẫu nông thôn mới.

 

- Hoạt động công nghiệp từng bước phục hồi và có mặt phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 54,8% kế hoạch năm, tăng 6,2% so cùng kỳ. Hoạt động thương mại và dịch vụ dần khôi phục và đến nay cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 55,5% kế hoạch năm, tăng 11,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,4% so cùng kỳ. Hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên 6 tháng đầu năm khoảng 582.400 lượt, tăng 79% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế 1.910 lượt, tăng 23,6%); tổng doanh thu hoạt động du lịch khoảng 700 tỉ đồng, gấp hơn 1,1 lần so với cùng kỳ. Dịch vụ vận tải từng bước phục hồi tích cực, với doanh thu tăng 14,7%. Lượng hành khách qua Cảng hàng không Tuy Hòa hơn 271.400 lượt, tăng 61% so cùng kỳ. Hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng tương đối ổn định. Tổng nguồn vốn huy động tăng 12%; tổng dư nợ tăng 3,57% so với đầu năm 2022, trong đó nợ xấu chiếm 0,82%.

 

- Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh được tập trung thực hiện. 6 tháng đầu năm, đã cấp mới đăng ký cho 299 doanh nghiệp, tăng 24,% và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trước thời hạn tăng 85,71% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.100 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 74.902 tỉ đồng; có 166 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

 

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa. Ảnh: PV

 

- Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm là 2.646 tỉ đồng, đạt 53% dự toán trung ương và 39,8% dự toán tỉnh, giảm 12,8% so cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 2.624 tỉ đồng, đạt 53,1% dự toán trung ương, đạt 39,8% dự toán địa phương, giảm 11,9% so với thực hiện cùng kỳ, trong đó thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu năm là 933/3.847 tỉ đồng đạt 42,4% dự toán trung ương giao, đạt 24,3% dự toán địa phương và giảm 22,6% so cùng kỳ (trong đó thu tiền sử dụng đất khối tỉnh chỉ mới đạt 11,5%, khối huyện đạt 41,3%, riêng TP Tuy Hòa chỉ mới đạt 6,9% kế hoạch). Đối với khối huyện, có 8 huyện, thị xã ước thu đạt và vượt tiến độ dự toán tỉnh giao, riêng TP Tuy Hòa thu chỉ đạt 19,3% dự toán tỉnh giao. Tổng nợ thuế có khả năng thu trên địa bàn tỉnh là 216 tỉ đồng, chiếm 8,2% so với tổng thu nội địa. Tổng chi ngân sách khoảng 4.852 tỉ đồng, đạt 48,5% dự toán trung ương và 41,6% dự toán tỉnh (trong đó chi thường xuyên 2.624 tỉ đồng); các lĩnh vực chi ngân sách cơ bản đảm bảo tiến độ dự toán được giao, đáp ứng nhiệm vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

 

- Công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đô thị được quan tâm. Tập trung lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến nay, đã thực hiện xong phần đánh giá hiện trạng, đang xây dựng phần tầm nhìn, định hướng phát triển, phấn đấu hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30/9/2022. Phối hợp hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đã thực hiện hoàn thành và phê duyệt các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định. Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục thẩm định và thống nhất chủ trương cho một số đơn vị tư vấn, nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch tại một số khu vực, dự án trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới. Công tác quản lý chất lượng công trình được tăng cường; đã tổ chức kiểm tra chất lượng 15 công trình, qua đó kịp thời nhắc nhở các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

 

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 8.920 tỉ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ, do công tác hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các công trình, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất của ngành Xây dựng giảm 5,2% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chủ yếu tiếp tục thi công các công trình chuyển tiếp, do nguồn thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch. Giá trị giải ngân vốn ngân sách địa phương quản lý đến ngày 30/6/2022 đạt 22% kế hoạch vốn trung ương giao và bằng 16,3% kế hoạch tỉnh giao. Tập trung rà soát đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công theo nguyên tắc, tiêu chí giãn tiến độ thực hiện, hoặc xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh nhằm đảm bảo cân đối với nguồn thu ngân sách thực tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

 

- Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh bằng các hình thức phù hợp. Trong 6 tháng đầu năm, đã tiếp, làm việc với nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản, phát triển đô thị, cảng biển, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 395,7 tỉ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án.

 

Tiếp tục tập trung hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, hoàn chỉnh thủ tục thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với các dự án ngoài ngân sách đăng ký đầu tư trên địa bàn; trong đó có các dự án bất động sản trên địa bàn TP Tuy Hòa tập trung triển khai xây dựng đưa vào khai thác trong năm 2022 (dự án Tòa nhà hỗn hợp The Light Phu Yen của Công ty CP Conric Phú Yên; dự án Xây dựng công trình hỗn hợp tại số 77-79 Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa của Công ty CP Biển Phú Yên; dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía nam Quy hoạch N3, đường Hùng Vương của Công ty CP Bất động sản HANO-VID...). Đồng thời tiếp tục rà soát, xử lý theo quy định các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án (đã chấm dứt dự án Trồng dứa nguyên liệu tập trung, xử lý vi phạm hành chính 3 dự án chậm tiến độ với tổng số tiền 240 triệu đồng).

 

- Công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường được tăng cường và chặt chẽ hơn. Đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố; cấp mới 1.436 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, đạt 20,5% kế hoạch năm. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2 mỏ đất và cấp 4 giấy phép quyền khai thác khoáng sản; thực hiện rà soát, cập nhật bổ sung, điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tập trung rà soát chuẩn bị các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm; đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam tại Phú Yên...

 

Nhân viên y tế khám bệnh cho người dân. Ảnh: PV

 

2. Về văn hóa - xã hội:

 

- Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng trên địa bàn, nhất là trong dịp lễ, tết. Cấp phát kịp thời hơn 2.046 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ; hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo khoảng 2,3 tỉ đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 462,6 tỉ đồng; cho học sinh, sinh viên vay 28,3 tỉ đồng. Đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 3.600 người; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đến nay ước đạt 72,85%. Tình trạng thất nghiệp trong độ tuổi lao động so với cùng kỳ, chiếm khoảng 2,6% (cuối năm 2021 tỉ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 3,4%), trong đó khu vực thành thị là 2,5%, khu vực nông thôn là 2,7%. Công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, cuộc sống thường xuyên được quan tâm. Các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai hiệu quả, đời sống của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm ổn định.

 

- Tập trung chỉ đạo triển khai đảm bảo chương trình, chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 và trong điều kiện bình thường mới. Các trường đã tổ chức tổng kết năm học theo đúng kế hoạch. Đã tổ chức thi vào lớp 10 năm học 2022-2023 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đảm bảo an toàn, đúng quy định. Chú trọng thực hiện tốt việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tổ chức thành công các kỳ thi học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh, học sinh Phú Yên đạt 21 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 học sinh đạt thành tích cao được Bộ GD-ĐT chọn vào đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam dự kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 tổ chức tại Ấn Độ.

 

- Công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều nỗ lực, cố gắng. Đã kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch và tổ chức điều trị các trường hợp mắc sốt xuất huyết, sốt rét, không để xảy ra trường hợp tử vong. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, đến tháng 6/2022 có 49,5% số cháu dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh; số bà mẹ mang thai được tiêm phòng uốn ván 2 mũi đạt 35,5%. Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

 

Đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh; dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 30/6/2022, tỉ lệ người dân (từ 18 tuổi trở lên) được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt 100% (trong đó tiêm mũi nhắc lại lần 1 đạt 56,41%, tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt 2,92%); tỉ lệ trẻ em từ 12-18 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt 100%, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 60,57%.

 

TX Đông Hòa tổ chức Đại hội Thể dục thể thao năm 2022. Ảnh: PV

 

- Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh diễn ra sôi nổi, nhất là sau thời điểm dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Đã tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng - mừng xuân Nhâm Dần và một số hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu như: chương trình nghệ thuật “Áo dài qua miền di sản Phú Yên”; trưng bày triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh; các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; liên hoan Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII… Công tác thông tin, truyền thông trên báo chí và mạng xã hội tập trung đẩy mạnh. Tiếp tục duy trì vận hành ổn định hệ thống hạ tầng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

 

- Tập trung theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các đề tài, dự án và đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Đã tổ chức xét chọn 10 nhiệm vụ cấp tỉnh thực hiện năm 2022, trong đó có 8/10 nhiệm vụ đủ điều kiện và đang triển khai các thủ tục để tổ chức thực hiện. Công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, thị trường khoa học công nghệ được tăng cường.

 

- Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện chặt chẽ. Đã hỗ trợ nhập cảnh 12 đoàn chuyên gia, người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp và hướng dẫn thủ tục cho 4 đoàn với 40 lượt người nước ngoài vào làm việc với các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tích cực tham gia các hoạt động nhằm củng cố quan hệ hợp tác của tỉnh với các đối tác quan trọng; tiếp nhận triển khai các chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 tại tỉnh; tổ chức hội nghị Gặp gỡ Phú Yên - Israel. Quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp.

 

3. Về quốc phòng - an ninh:

 

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương theo kế hoạch. Giao quân năm 2022 đạt chỉ tiêu giao. Công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên phòng được tăng cường. Tập trung chuẩn bị và triển khai tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ năm 2022 cho các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, TX Sông Cầu và diễn tập chiến đấu phòng thủ các xã, phường, thị trấn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, đáng chú ý đã tổ chức điều tra, đấu tranh khám phá nhiều chuyên án và nhanh chóng làm rõ một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội 6 tháng đầu năm giảm 34 vụ so cùng kỳ năm 2019; tình hình tai nạn giao thông và cháy nổ trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế.

 

4. Về công tác nội vụ, văn thư lưu trữ, thi đua khen thưởng và công tác tôn giáo:

 

- Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ổn định. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, quản lý biên chế được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; kịp thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý một số sở, ngành, địa phương. Hoàn thành tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên chuyên viên và tương đương; đang tập trung chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi tuyển công chức khối Nhà nước năm 2022 và xét tuyển viên chức giáo viên trên địa bàn tỉnh.

 

- Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Triển khai thực hiện quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực, gắn với rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chỉ số liên quan cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 đều được cải thiện đáng kể, trong đó chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng 7 bậc, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tăng 14 bậc và chỉ số cải cách hành chính tăng 1 bậc so với năm 2020. Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia; số hồ sơ tiếp nhận trên cổng 121.305 hồ sơ, trong đó tỉ lệ giải quyết đúng hạn chiếm 86,46%.

 

- Công tác thi đua - khen thưởng được thực hiện chặt chẽ. Đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật.

 

5. Về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí:

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến các luật khi có hiệu lực thi hành được chú trọng. Xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ hơn. Công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm và duy trì thường xuyên từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện theo hình thức trực tuyến. Trong 6 tháng đầu năm đã tiếp 1.514 lượt công dân/1.368 vụ việc, tăng 3,96% so với cùng kỳ; tiếp nhận 2.060 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng 26,5% so với cùng kỳ, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết xong 25% đơn khiếu nại và 100% đơn tố cáo; các trường hợp còn lại đang xem xét, giải quyết trong thời gian quy định. Công tác thanh tra được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu theo kế hoạch. Công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng. Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra và xử lý các vụ việc về tham nhũng, lãng phí.

 

Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

II. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

 

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số hạn chế như:

 

- Tiến độ phục hồi của nền kinh tế tỉnh còn chậm. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp, nhất là tốc độ tăng GRDP đạt thấp hơn so với bình quân chung cả nước và kịch bản tỉnh đề ra. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng so cùng kỳ.

 

- Tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn khá thấp (đến ngày 30/6/2022 mới chỉ đạt 22% kế hoạch vốn trung ương giao và 16,3% kế hoạch tỉnh giao). Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế, số công trình dự án đã đăng ký đầu tư vào địa bàn tỉnh triển khai thực hiện trên thực địa còn ít.

 

- Thu ngân sách Nhà nước chưa đạt theo kế hoạch (đạt 39,8% dự toán tỉnh giao), giảm so với cùng kỳ (giảm 12,8%), nhất là nguồn thu sử dụng đất rất thấp, chỉ đạt 24,3% kế hoạch tỉnh giao, trong khi thu tiền sử dụng đất khối tỉnh chỉ đạt 11,5%.

 

- Công tác lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm so với tiến độ đề ra. Công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đô thị một số nơi chưa tốt; tình trạng lấn chiếm đất đai, lòng lề đường để buôn bán, xây dựng nhà ở, công trình trái phép không theo quy hoạch còn diễn ra ở nhiều nơi nhưng xử lý thiếu kiên quyết, một số trường hợp dư luận, cử tri quan tâm có ý kiến chậm xử lý; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình và cá nhân đạt thấp (đến nay mới đạt 20,5% kế hoạch năm).

 

- Chất lượng giáo dục và đào tạo có mặt còn hạn chế; tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia sau khi tổ chức xét duyệt lại đạt thấp (đạt 26,5% so với 42,9% trước khi xét duyệt lại). Chất lượng một số dịch vụ y tế còn thấp, chưa có chuyển biến đáng kể, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; để xảy ra một số chậm trễ trong việc mua sắm thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tạo việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn; tỉ lệ lao động thất nghiệp còn cao (2,6%); đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Các đề tài khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất hiệu quả còn thấp.

 

- Chất lượng công tác tuyên truyền, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở một số địa phương chưa cao. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với một số loại tội phạm có mặt còn hạn chế, nhất là tội phạm đánh bạc, cố ý gây thương tích, tín dụng đen. Tội phạm và tệ nạn ma túy có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

 

- Chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có tăng hơn so với năm trước nhưng chưa bền vững, vẫn còn thấp ở một số lĩnh vực; thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính còn kéo dài, chậm trễ, hồ sơ quá hạn còn cao. Một số đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, kiên quyết.

 

* Nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế:

 

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đầu tư xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi của nền kinh tế và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra, nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do:

 

+ Chất lượng công tác tham mưu, đề xuất của một số ngành, địa phương còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ các quy định, quy trình, thủ tục; nhiều trường hợp tham mưu, đề xuất chung chung, không nêu rõ chính kiến, quan điểm đối với nội dung thuộc lĩnh vực ngành phụ trách; một số sở, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa quyết liệt, sâu sát trong lĩnh vực phân công, phân cấp quản lý.

 

+ Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số sở, ngành, đơn vị, địa phương chưa cao, có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt; tính tự lực, tự cường ở một số sở, ngành, địa phương hạn chế; công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; năng lực làm việc và tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

 

III. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NĂM 2022

 

Theo dự báo những tháng cuối năm 2022, tình hình trong nước và tỉnh ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... diễn biến khó lường. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trên cơ sở phân tích tình hình, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế. Trong những tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

 

1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương; các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

2. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể các nhiệm vụ theo từng tháng, từng quý của cơ quan, đơn vị mình từ nay đến cuối năm 2022. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực tham mưu, phụ trách.

 

3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung ký kết với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước về hợp tác phát triển nông lâm thủy sản. Chủ động xây dựng và triển khai các phương án phòng chống hạn và phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn vào mùa mưa lũ; có sự phân công, phân nhiệm cụ thể từng thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh; hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo lũ và phối hợp thực hiện tốt việc vận hành liên hồ chứa, để giảm lũ cho vùng hạ du.

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; chú trọng phát triển mạnh các ngành thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách, tập trung hoàn tất nhanh nhất các thủ tục sớm đưa ra tổ chức bán đấu giá các khu đất để đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch; triệt để tiết kiệm chi theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 30/9/2022. Chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trình phê duyệt trước 31/12/2022.

 

Có giải pháp cụ thể tạo chuyển biến trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn; quyết tâm đến ngày 20/11/2022 phải bàn giao 70% mặt bằng tuyến và đến quý II/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Phú Yên. Gắn trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí kế hoạch. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thường xuyên rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh giai đoạn 2021-2025, để điều chỉnh bổ sung phù hợp với nguồn lực thực tế của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025; rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ngoài ngân sách; khẩn trương xử lý từng bước dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm; những nội dung khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền tổng hợp báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương để có hướng giải quyết. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường; quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập trung hoàn tất các thủ tục, sớm đưa ra đấu giá các mỏ khoáng sản đất, cát phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn.

 

4. Phát triển kinh tế phải bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; tập trung chuẩn bị các điều kiện triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ngành Giáo dục và ngành Nội vụ phải có giải pháp xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; đảm bảo số lượng giáo viên dạy trẻ 3, 4 tuổi trên địa bàn tỉnh.

 

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chất lượng dịch vụ y tế, nhất là khu vực miền núi. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế. Chủ động công tác y tế dự phòng, đáp ứng yêu cầu phát hiện phòng chống dịch bệnh. Ngành Y tế phải khẩn trương rà soát, có kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống trang thiết bị máy móc, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn.

 

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Tổ chức tốt các hoạt động Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI năm 2022 và Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Phú Yên lần thứ VIII năm 2022. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ và các đề tài nghiên cứu có kết quả vào sản xuất, đời sống. Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, tham gia.

 

5. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương theo kế hoạch. Tập trung chuẩn bị chu đáo, đầy đủ nội dung và các điều kiện tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và diễn tập chiến đấu phòng thủ các xã, phường, thị trấn theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn và đạt kết quả cao nhất. Thực hiện chặt chẽ các bước gọi công dân nhập ngũ năm 2023 đảm bảo số lượng và chất lượng.

 

Tiếp tục giữ vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân; triển khai thực hiện nghiêm các kết luận sau thanh tra, tiếp công dân. Tăng cường công tác thanh tra; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định. Tập trung khắc phục các vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền chỉ ra.

 

6. Tiếp tục sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chủ động tham nưu, đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng quy định của pháp luật. Phải tổ chức thi tuyển công chức năm 2022 và xét tuyển viên chức giáo viên tỉnh Phú Yên năm học 2021-2022. Thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa UBND tỉnh với các sở, ban ngành, địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý thay thế, chuyển đổi vị trí công tác những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước, góp phần cắt giảm thời gian, giấy tờ và minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

 

Nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022 là hết sức khó khăn. Đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết, chung sức, chung lòng, đề cao tinh thần, cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra trong năm 2022.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek