Chuyên gia Anton Viktorovich Bredikhin đã đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế biển, đặc biệt là ở biển Đông, với phương châm “Hòa bình - Hữu nghị, Hợp tác - Phát triển".
Tiến sĩ Lịch sử Anton Viktorovich Bredikhin, thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Khoa học xã hội "Các vấn đề chính trị - xã hội hình thành EAEU," Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã đánh gia như vậy trong bài viết “Biển Đông - Thực trạng và cách tiếp cận của Nga” đăng tải ngày 11/5 trên chuyên trang phân tích chính trị của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC).
Tiến sĩ Bredikhin nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ việc tăng cường đối thoại toàn cầu trong giải quyết các xung đột quốc tế, đặc biệt trong thời gian đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong bài viết, đánh giá về thành tựu của Việt Nam trong những năm gần đây, chuyên gia Nga bày tỏ ấn tượng về đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Ông Bredikhin dẫn các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 là hơn 245 tỉ USD, năm 2019 là gần 263 tỉ USD và năm 2020 là trên 271 tỉ USD, đồng thời cho biết năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%. Theo ông, những con số này minh chứng cho sự ổn định và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia Nga nêu rõ Việt Nam đang theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế đa phương, ký các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Trong số các quốc gia thành viên EAEU, Nga có kim ngạch thương mại lớn nhất.
Từ những tiềm năng nêu trên, chuyên gia Bredikhin khẳng định Nga nên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Bredikhin, Việt Nam hiện là đối tác kinh tế thương mại triển vọng nhất, có nền tảng chiến lược cần thiết để mở rộng nhiều lĩnh vực hợp tác.
Đề cập tới tình hình biển Đông, ông Bredikhin cho rằng với vị trí địa chính trị chiến lược, tuyến hàng hải quan trọng và trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, Biển Đông có thể trở thành “điểm nóng” tiềm tàng. Việc quân sự hóa khu vực khiến lượng lưu thông tàu thuyền suy giảm, tác động tiêu cực đến kinh tế và vận tải ở biển Đông.
Chuyên gia Nga nhận định cần tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán về việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Đối với các tranh chấp ở khu vực biển Đông, các văn bản pháp lý quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), có tầm quan trọng đặc biệt.
Theo TTXVN/Vietnam+