Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn do Cơ quan Hành động Bom mìn Liên Hợp Quốc (UNMAS) chủ trì khai mạc ngày 4/4 với hội thảo mang chủ đề “Mặt đất an toàn, bước đi an toàn, ngôi nhà an toàn” tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York.
Tại đây, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như thành quả trong rà phá và xử lý hậu quả bom mìn còn sót lại từ thời chiến với cộng đồng quốc tế.
Bà Melissa Fleming, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề truyền thông, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện nhiều nước thành viên Liên hợp quốc, cho biết nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm và có đóng góp thiết thực vào hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã tham dự sự kiện, trong đó có các tổ chức có uy tín hàng đầu về vấn đề này như Chiến dịch quốc tế về chống bom mìn (ICBL) và Nhóm Hành động bom mìn (MAG).
Các đại biểu đều nhấn mạnh những tác động kinh khủng của bom mìn vẫn là vấn đề nhức nhối tại nhiều nước, tại nhiều khu vực trên thế giới đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như việc cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh mặc dù chiến tranh đã chấm dứt cách đây nhiều năm tại Việt Nam nhưng bom mìn còn sót lại vẫn gây ra nhiều đau thương, để lại những hậu quả to lớn cho đến tận ngày nay.
Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua Chính phủ, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã đề ra nhiều chương trình, biện pháp cụ thể nhằm rà phá và xử lý hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ cảm ơn các đối tác và bạn bè quốc tế đã có những hỗ trợ và giúp đỡ quý báu đối với Việt Nam thời gian qua.
Phim tài liệu do Trung tâm Hành động bom, mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) chủ trì xây dựng đã được trình chiếu tại hội thảo giúp các nước trong cộng đồng quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, cũng như những thành tựu của Việt Nam trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.
Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn do UNMAS tổ chức hằng năm nhằm thảo luận kế hoạch triển khai trong tương lai của cộng đồng quốc tế cũng như ghi nhận những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, trong đó có Tổ chức Chiến dịch Quốc tế về chống Bom mìn (ICBL) là tổ chức được thành lập năm 1992 và được trao giải Nobel Hòa bình năm 1997.
Sự kiện thường niên này cũng đánh dấu những thành tựu các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đạt được kể từ khi Công ước Cấm mìn sát thương có hiệu lực năm 1999.
Những năm gần đây, bên cạnh các biện pháp thiết thực nhằm xử lý hậu quả bom mìn trong nước, Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực chung của quốc tế về vấn đề này.
Tháng 4/2021, theo đề xuất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Hội đồng Bảo an đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đề cao cam kết của Hội đồng Bảo an và quốc tế nhằm tiếp tục thúc đẩy xử lý hậu quả bom mìn.
Theo TTXVN/Vietnam+