Tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29/3, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều, giảm 1 chương và 3 điều; có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều.
Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án luật, đến nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo luật. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Trước vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỉ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ, theo đó đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập quỹ.
Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì quỹ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đã có công văn số gửi Chính phủ đề nghị Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về vấn đề này và gửi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/4.
Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tổng hợp, báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung này.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng nếu đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thì cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro thì Quỹ này sẽ thế nào.
Theo đại biểu, nếu trích nộp quỹ mà cứ tính vào phần của người tham gia bảo hiểm là chưa phù hợp, nên chăng trích từ thuế của cơ quan kinh doanh bảo hiểm.
Giải trình thêm về nội dung này tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh 2 quỹ trên cùng mục tiêu nhưng việc hình thành lại khác nhau.
Quỹ dự trữ bắt buộc là từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% và tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.
"Từ khi hình thành đến nay có hơn 1.000 tỉ đồng. Chúng tôi muốn giữ quỹ này để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản gặp khó khăn do bất khả kháng thì Nhà nước chủ động can thiệp bằng quỹ này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm", ông Hồ Đức Phớc phân tích.
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) lưu ý đối với bảo hiểm nhân thọ, cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi rõ phí bảo hiểm hàng năm, khoản tiết kiệm hàng năm để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa giá trị tích lũy và khoản phí mất đi hàng năm.
Hiện tại vấn đề này phụ thuộc vào tư vấn trực tiếp nên xảy ra nhiều tranh cãi giữa bên mua và bên bán bảo hiểm về việc không làm rõ thông tin này.
Thông thường, để sản phẩm có tính hấp dẫn, đại lý bảo hiểm thường giải thích cho bên mua bảo hiểm giá trị tích lũy ở mức cao nhất có thể trong bảng minh họa mà không nói đến giá trị bảo đảm mà mức là bên mua bảo hiểm, nhận được thực tế sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, rủi ro của các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư cũng ít khi được đại lý bảo hiểm nhắc đến khi tư vấn, kết quả là bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất đầu tư mà không được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu.
Vì vậy, ngoài những thông tin cần thiết trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung khuyến cáo để bên mua bảo hiểm ý thức về rủi ro của sản phẩm, bên cạnh quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật như áp dụng pháp luật, kết cấu của dự thảo luật… Đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Khẳng định Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thành công tốt đẹp, vượt kế hoạch thời gian đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội nghị này; tiếp tục lấy ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh 4 dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.
Theo TTXVN/Vietnam+