Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong việc thực hiện dân chủ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò làm chủ của nhân dân.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG |
Cần thiết, phù hợp với thực tiễn
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 59 điều. Phạm vi điều chỉnh cụ thể: Quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, tổ chức HTX có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Về nguyên tắc thực hiện, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đáng lưu ý, dự thảo lần này có 6 điểm mới, trong đó quy định cụ thể quyền nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ cơ sở; bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; quy định quyền nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở.
Theo các đại biểu tham gia góp ý, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong việc thực hiện dân chủ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò làm chủ của nhân dân. Nội dung các quy định trong dự thảo luật tương đối đầy đủ, phản ánh rõ các logic pháp lý về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng và thực hiện. Chỉ có một số góp ý, đề nghị bổ sung thêm nhằm tạo cơ chế pháp lý mở rộng và nâng cao chất lượng quyền làm chủ của nhân dân.
Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
Xác định thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, trở thành mục tiêu và động lực trong công cuộc đổi mới và phát triển, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến, triển khai và giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cấp xã, phường, thị trấn, phát huy được nguồn lực vật chất và tinh thần trong nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép.
Là một trong những địa phương được đánh giá tốt trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bà Trần Thị Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), cho hay: Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền phường Phú Thạnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở. Phường đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng các nội dung về thực hiện dân chủ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống mặt trận và của người dân có chuyển biến rõ rệt; vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được coi trọng.
“Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã ngày càng nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, ý thức về dân chủ trong xã hội; phát huy tính tích cực, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân; khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất, góp phần xây dựng khu phố văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”, bà Chi nói.
Để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị: Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, sức mạnh trong dân; đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Có như thế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
THÚY HẰNG