Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu trường chinh gian khổ, oanh liệt chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bất khuất, ngoan cường ấy, số chiến sĩ, cán bộ và đồng bào cả nước hy sinh, bị bệnh, bị thương ngày một gia tăng. Chính sách đối với thương binh, liệt sĩ trở thành một vấn đề cấp bách trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta sẽ trường kỳ, gian khổ, hy sinh nhiều người, nhiều của, và từ đó Người mong muốn có một ngày kỷ niệm để Tổ quốc và đồng bào cả nước tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Theo chỉ thị của Người, ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đánh dấu sự ra đời của Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đây là sự khởi đầu của các hoạt động tình nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với người có công với cách mạng. Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thấm nhuần trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta về ưu đãi xã hội ngay từ khi đó.
Điều đáng lưu ý, thời kỳ đất nước đổi mới, chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được coi là một nguyên tắc Hiến định, ghi nhận ở Điều 67 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhằm thể chế Hiến pháp, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
Tính đến nay, cả nước có hơn 50 vạn thân nhân liệt sĩ, gần 60 vạn thương binh, bệnh binh, hơn 43.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống là 7.120 người), hơn 13.000 người có công với nước. Hàng năm, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân đã dành một số tiền rất lớn vào công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách vượt qua khó khăn; đặc biệt là làm sao động viên họ phát huy ý chí tự lực, tự cường để vươn lên và làm gương giúp đỡ người khác cùng phát triển.
Đến hết năm 2007, Việt
Cả nước đã quy tập, sửa sang, nâng cấp 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và hàng vạn công trình ghi công khác; xây dựng hơn 300.000 nhà tình nghĩa; lập quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt hơn 200 tỉ đồng; tặng hơn 60 nghìn sổ tiết kiệm, hàng vạn vườn cây, ao cá, giếng nước nghĩa tình cho các gia đình chính sách; đào tạo và hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn con em gia đình chính sách… Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tập thể, cá nhân đã phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt cho công tác chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với nước. Đây là những việc làm mang đậm tính nhân văn mà chúng ta rất trân trọng và tiếp tục phát huy.
Trong thời gian tới, Việt Nam càng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội càng đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế thì việc bảo toàn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc càng là vấn đề cấp thiết; trong đó có đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Đây là việc làm tốt nhất, nhằm giáo dục toàn Đảng, toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
TÔ PHƯƠNG