Chủ Nhật, 05/05/2024 23:31 CH
Dấu ấn đồng chí Nguyễn Côn ở Phú Yên
Thứ Tư, 12/01/2022 21:30 CH

Trong bề dày lịch sử 92 năm của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, hai vị đảng viên lão thành được tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng đó là đồng chí Phan Ngọc Bích, đảng viên năm 1930 và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Côn giai đoạn tháng 5/1946-10/1946.

 

Nguyễn Côn là vị Bí thư Tỉnh ủy thứ 5 trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, sau các đồng chí Phan Lưu Thanh, Trần Toại, Trần Hào, Huỳnh Nựu, Trương Kiểm.

 

Đồng chí Nguyễn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên giai đoạn tháng 5/1946-10/1946. Ảnh: Internet

 

Đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng

 

Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Côn sinh ngày 15/5/1916 tại thôn Liễu Nhai, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tham gia cách mạng từ tháng 2/1936, vào Đảng tháng 10/1937, ông vừa vĩnh biệt tất cả chúng ta ngày 9/1/2022, tại Thủ đô Hà Nội, hưởng thọ 107 tuổi.

 

Dấu ấn hoạt động của đồng chí Nguyễn Côn in đậm trong lịch sử của Đảng và dân tộc thế kỷ XX. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng liên tục 26 năm (1960-1986), trong đó có 8 năm là Bí thư Trung ương Đảng (1968-1976), là ĐBQH từ khóa I đến khóa VII. Ông từng kinh qua nhiều trọng trách như Xứ ủy viên Trung Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Phân cục Xứ ủy cực Nam Trung Bộ, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy V - kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), Bộ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim (nay là Bộ Công thương), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng, Trưởng Đoàn chuyên gia kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Phó Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia…

 

Đồng chí Nguyễn Côn với đất Phú Yên

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông đã sớm tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng lãnh đạo ở Huế, khi còn là sinh viên Trường Kỹ nghệ thực hành Huế.

 

Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tại nhà máy xe lửa Dĩ An. Sau đó, ông được bầu làm Bí thư chi bộ nhà máy và được Đảng phân công hoạt động ở nhà máy Ba Son, đồn điền cao su Quảng Lợi. Ông bị thực dân Pháp truy lùng gắt gao và bắt giam tại các nhà tù Sài Gòn, Côn Đảo, Lê Hi, Đắc Tô và cuối cùng là nhà lao Vinh (1940-1945).

 

Tháng 8/1945, ông thoát khỏi nhà tù ở Vinh, trở về quê nhà Thanh Chương trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và được cử làm Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương.

 

Tháng 5/1946, trên cương vị Xứ ủy viên Trung Bộ, ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ. Trọng trách của ông là xây dựng vùng tự do Phú Yên vững mạnh để làm hậu phương trực tiếp cho các tỉnh vùng tạm chiếm cực Nam. Lúc này, tại Phú Yên là nơi hội tụ nhiều cơ quan Quân - Dân - Chính - Đảng của Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

 

Trên cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ, đồng chí Nguyễn Côn đề nghị Xứ ủy bổ nhiệm đồng chí Lê Văn Hiền (Tám Hiền), một người con ưu tú của Phú Yên làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; điều động đồng chí Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và đồng chí Huỳnh Ngưu nhận nhiệm vụ mới là Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.

 

Với vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế cực kỳ quan trọng của tỉnh Phú Yên (TX Tuy Hòa, Phú Yên là nơi đặt trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam, do ông Phạm Văn Bạch làm chủ tịch) trong thời điểm chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, Xứ ủy quyết định giao thêm nhiệm vụ cho Nguyễn Côn kiêm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, từ đầu tháng 5/1946-10/1946.

 

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đồng chí Nguyễn Côn nhanh chóng củng cố hệ thống chính trị, sắp xếp bộ máy ổn thỏa, bổ sung nhiều cán bộ có năng lực vào Tỉnh ủy lâm thời, tích cực phát triển Đảng, đảm bảo sự đoàn kết nhất trí cao. Ông đã đề cử đồng chí Trần Quỳnh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ), kỹ sư nông nghiệp Lê Duy Trinh làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh (sau này là Thứ trưởng Bộ Thủy sản, kiêm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Thủy sản).

 

Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Côn, Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể động viên nhân dân Phú Yên hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc.

 

Trong 6 tháng đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đồng chí Nguyễn Côn có nhiều công lao, lãnh đạo quân, dân Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Nam tiến, tiểu đoàn Ba Dương (Nam Bộ) đứng chân trên địa bàn Phú Yên giữ vững phòng tuyến Đèo Cả, phòng tuyến miền Tây Phú Yên, giữ vững vùng tự do Phú Yên, yết hầu xung yếu của vùng tự do Liên khu 5.

 

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Côn là người quyết định dời tỉnh lỵ từ Sông Cầu về Tuy Hòa; xây dựng trường trung học đầu tiên mang tên vị thành hoàng mở đất Phú Yên Lương Văn Chánh; củng cố lại các cấp hành chính (từ 296 xã thôn thuộc các tổng của hai phủ Tuy Hòa và Tuy An, khu Đồng Bò và hai huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân nhập lại còn 84 xã).

 

Ông chỉ đạo thực hiện triệt để mệnh lệnh “tiêu thổ kháng chiến” thể hiện ý chí sắt đá, tinh thần yêu nước và quyết tâm kháng chiến của nhân dân Phú Yên trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Côn cũng đã đề xuất điều động nhà giáo Bùi Xuân Các, Trưởng Ty Kiểm duyệt của Sở Tuyên truyền Trung Bộ về Phú Yên nhận nhiệm vụ Trưởng Ty Thông tin - Tuyên truyền thay thế nhà thơ Vĩnh Mai (Nguyễn Hoằng), được Xứ ủy điều động làm Bí thư Thành ủy Huế. Với sự động viên, cổ vũ của ông và kỹ sư Lê Duy Trinh - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, nhà giáo Bùi Xuân Các đã xây dựng nhà in Tú Phương và xuất bản Báo Chiến Thắng (tiền thân Báo Phú Yên ngày nay), số báo đầu tiên ra ngày 19/8/1946.

 

Tháng 10/1946, ông đề cử cấp trên điều động Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Quỳnh vào làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận thay đồng chí Trương Kiểm về làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

 

Trên cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, tháng 10/1946, đồng chí Nguyễn Côn chủ trì tổ chức Đại hội đại biểu toàn tỉnh với sự tham dự của 30 đại biểu, thay mặt 327 đảng viên sinh hoạt trong 39 chi bộ, đã bầu Tỉnh ủy chính thức, gồm 7 ủy viên, do đồng chí Lê Vụ làm Bí thư.

 

Lúc này, Liên khu ủy V thành lập (thay thế cho Xứ ủy Trung Bộ), Nguyễn Côn được cấp trên điều động nhận nhiệm vụ Ủy viên thường trực Liên khu ủy V, sau đó làm Bí thư Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung Bộ cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Côn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1996 và Huân chương Sao Vàng năm 2007.

 

PHAN THANH - TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek