Tối 6/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác vừa kết thúc chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến ngày 3/11, thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11 đến ngày 5/11.
Chuyến công tác thành công rất tốt đẹp, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giải quyết những vấn đề mang tỉnh toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Pháp.
Tập trung phân bổ vắc xin để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp Chính phủ vào chiều 6/11 Chính phủ đã nghe, thảo luận kỹ và thống nhất cao về các nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới; Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động nhân dân cả nước mà công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế xã hội.
Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; số ca tử vong giảm sâu; số bệnh nhân khỏi bệnh tăng; tốc độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh; cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO() đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống dịch của Việt Nam.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.
Các địa phương cần tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Bên cạnh đó, cần triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời, phải thực hiện hiệu quả phương châm 5K+vắc xin+điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân+các biện pháp cần thiết khác.
Các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc xin, bảo đảm có vắc xin đầy đủ, nhanh nhất và hướng tới chủ động nguồn cung; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tập trung phân bổ vắc xin để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, nước ta đã tiếp nhận trên 123 triệu liều vắc xin; tổ chức tiêm hơn 88,5 triệu liều, trong đó 1 mũi là trên 81,2%; 2 mũi là 37,3% đối với người từ 18 tuổi trở lên; bắt đầu tổ chức triển khai tiêm vaccien cho trẻ em dưới 18 tuổi, trước mắt tập trung tiêm cho lứa tuổi 16,17.
Thời gian tới, công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin cần bám sát nhu cầu thực tiễn; thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; ban hành mới hướng dẫn về dịch tễ để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam về nước; doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chóng dịch, đặc biệt là các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức thích ứng trong tình hình mới.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, lĩnh vực kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so với tháng Chín; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỉ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống người dân nhìn chung ổn định (đã hỗ trợ gần 24,56 nghìn tỉ cho trên 26 triệu người; 5,16 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 12,37 nghìn tỉ đồng)…
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.
Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Đồng thời, cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế…
Theo TTXVN/Vietnam+