Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 2. Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý trong Bộ luật là về: quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”...
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng hiện Bộ Công an đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã giống như công an phường, thị trấn, đồn công an là phù hợp và cần thiết.
Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Phát biểu từ điểm cầu Cao Bằng, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng việc sửa đổi quy định trên là cần thiết, bên cạnh đó có một số kiến nghị, đề xuất. Theo đại biểu, về mặt thực tiễn, lực lượng công an xã chính quy mới được thiết lập, đối với các tỉnh miền núi như Cao Bằng, cơ bản mỗi xã được bố trí 5 công an xã.
Tuy nhiên, lực lượng này thực hiện rất nhiều công việc ở cấp xã, trực tiếp tiếp xúc với nhân dân; có những trường hợp địa bàn rộng, giao thông còn khó khăn, nhiều xã đi đến thôn, xóm mất 2-3 giờ.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an đưa về xã có nghiệp vụ, chuyên môn khác nhau, có người thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau.
"Do đó, việc giao thêm quyền hạn, nhiệm vụ mới cần đánh giá thêm về năng lực, nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi. Thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần tiếp tục đào tạo, tập huấn, trang bị cơ sở vật chất. Do đó, quy định bổ sung nhiệm vụ cho Công an xã theo hình thức sửa đổi luật rút gọn, có hiệu lực ngay tôi thấy cần đánh giá kỹ, xem xét lại", đại biểu Đoàn Thị Lê An cho ý kiến.
Đa số các đại biểu nhất trí sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh", nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh), trong thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Do phải thực hiện giãn cách, cách ly khiến việc tiếp nhận, xác minh tin báo về tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và xử lý, điều tra, tiến hành các hoạt động tố tụng... bị trì hoãn, do không thực hiện được những hoạt động cần thiết để chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội để tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố.
"Theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không hoàn thiện được hồ sơ, thực hiện đầy đủ hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có nguy cơ bỏ lọt tội phạm, nguy cơ phải bồi thường nhà nước khi việc tạm đình chỉ do lỗi chủ quan của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.
Trong khi đó, khoản 1, Điều 148, khoản 1, Điều 229, khoản 1, Điều 247 của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành không có quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không giải quyết được giai đoạn tiếp theo, đồng thời có thể phát sinh trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại...", đại biểu phân tích.
Viện Kiểm sát sẽ kiểm soát chặt chẽ
Giải trình trước Quốc hội, về bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Minh Trí cho rằng với chủ trương của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục triển khai.
Lực lượng này về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu, trong khi luật hiện hành chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an. Việc bổ sung quy định này để năng lực của nguồn nhân lực của công an xã được phát huy, giải quyết các vụ việc được ngay tại chỗ.
"Nếu giải quyết tốt được sẽ giảm tải áp lực cho lực lượng của công an huyện mà thực sự hiện nay đang quá tải", ông Nguyễn Minh Trí phân tích.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thiên tai, đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề về tội phạm, việc tăng cường lực lượng cơ sở để giải quyết ngay góp phần giữ ổn định an ninh trật tự cả trước mắt lẫn lâu dài, đảm bảo về an ninh cơ sở.
Trước băn khoăn của các đại biểu về năng lực, trình độ và cơ sở vật chất, trang bị cho công an xã, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng khi công an xã được bổ sung trách nhiệm này, Viện Kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ của công an xã như đối với công an phường, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra, truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, Viện trưởng Nguyễn Minh Trí phân tích: "Cần hiểu biện pháp tạm đình chỉ trong trường hợp này là biện pháp cuối cùng, là biện pháp kỹ thuật cần pháp luật cho phép để xử lý tình huống khi hết hạn điều tra, truy tố mà các cơ quan chức năng không thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm được do thiên tai, dịch bệnh. Chứ không phải là do cơ quan chức năng không làm".
Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội giao Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.
Theo TTXVN/Vietnam+