Thứ Sáu, 10/01/2025 10:20 SA
Một lần đi đón Bác Hồ
Thứ Tư, 09/07/2008 13:21 CH

Tôi quê ở Nghệ An. Năm nay, đã bước qua tuổi 65, nhưng tôi ở Nghệ An chỉ có 20 năm, thời gian còn lại, tôi chiến đấu và công tác ở miền Nam, mà chủ yếu là ở Phú Yên. Dù vậy, trong 20 năm đó, tôi vinh dự được đi đón Bác một lần và hai lần nghe Bác nói chuyện (một lần nghe trực tiếp, một lần nghe qua loa).

 

bac-080709.jpg

Bác Hồ về thăm Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cuối năm 1961 – Ảnh: T.LIỆU

 

Năm 1961, tôi học năm thứ 2 Trường Trung cấp sư phạm Vinh. Mọi người đang học thì có thông báo cho nghỉ và chuẩn bị đi đón phái đoàn tỉnh Quảng Ngãi – tỉnh kết nghĩa với tỉnh Nghệ An quê tôi. Bọn tôi đoán già, đoán non, nào là ông này, nào là ông kia, có bạn còn nói đón bác Đồng. Tôi nói lại: Nếu là bác Đồng thì nói đón Thủ tướng, chứ cần gì phải nói đón phái đoàn Quảng Ngãi. Từ trường, bọn tôi đi xuống quốc lộ 1A. Mọi người, đứng ngay ngắn hai bên lề đường. Một lúc sau, băng rôn mở ra và bọn tôi vô cùng sung sướng khi thấy dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương”. Trong lòng mọi người rộn rã niềm vui. Không ai ngờ rằng, mình lại được đi đón Bác và đứng cách xe Bác đi chỉ 1-2m mà thôi. Một lúc sau, có tiếng ồn ào và có tiếng hô khẩu hiệu. Đoàn xe chở Bác từ sân bay Nghi Lộc từ từ đi qua. Bác Hồ đứng trên xe mui trần. Bác khoác ngoài một chiếc áo đại cán bằng vải ka ki đã bạc màu. Ở trong, Người mặc một bộ bà ba màu nâu sẫm. Tay Bác cầm chiếc mũ bằng bần (li-e) bọc vải. Quê tôi, thời ấy gọi là mũ Sin ca po. Người tươi cười và tay luôn vẫy mũ về phía hai bên đường. Mọi người cứ chạy bám theo xe Bác. Tôi cũng vậy, tôi chạy theo đến tận trụ sở Tỉnh ủy Nghệ An, khi cánh cổng cơ quan Tỉnh ủy khép lại thì bọn tôi quay về. Khi theo xe Bác, không thấy mệt và cũng không thấy xa. Bây giờ đi về, mệt ơi là mệt! Từ Tỉnh ủy, về đến trường tôi đâu gần. Trường là một cơ sở của trường dòng ở sát Hưng Vĩnh, cách Cổng Chốt hơn một cây số về phía tây bắc.

 

Ngày hôm sau, cả trường chúng tôi được đi nghe Bác Hồ nói chuyện tại sân vận động Vinh. Trường tôi được xếp ở giữa sân, nhưng là lớp thứ ba, tính từ khán đài xuống. Lớp trên cùng là cán bộ đảng viên những năm 1930, kế tiếp là lực lượng vũ trang rồi mới đến trường tôi. Trong trường với nhau còn chen lấn được. Tôi chen lấn đến nơi lực lượng vũ trang thì chịu.

 

Lần ấy Bác Hồ nói rất nhiều điều. Người vừa nói vừa hỏi người nghe có đồng ý không. Có lúc, Bác lại quay sang hỏi đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy; có lúc, lại hỏi đồng chí Nguyễn Khai, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đã gần 50 năm, không nhớ hết được, nhưng tôi nhớ nhất mấy điều sau đây:

 

Một là: Quê tôi hay ăn kẹo lạc: Lúc bấy giờ, người ta lấy lạc nhân (hạt đậu phụng) rang lên, bỏ vào nước mật mía đã thắng tới, sau đó đổ lên lá chuối đã lau sạch hay giấy in. Bây giờ người ta đổ bánh tráng và gọi là kẹo cu đơ. Ngày ấy, đây là thứ kẹo cấm bán. Người ta chỉ bán lén lút cho bạn hàng quen mà thôi. Lần ấy, về việc này, Bác nói:

 

“Lạc là thép, lạc là gang,

Lạc sang nước bạn, lạc mang máy về”

 

Và Bác nói vui: “Dân Nghệ nhà choa (*), một năm ăn quà, hết 297 tấn gang”. Những câu trên đây, sở dĩ nhớ được là nó vừa ngắn vừa dí dỏm và sau khi Bác đi, những câu ấy được viết lên như khẩu hiệu ở những nơi có nhiều người đi qua.

 

Hai là: Nghệ An là tỉnh rất nghèo. Bữa ăn của dân ngày ấy chỉ ngày có hai bữa. Một bữa khoai lang tươi luộc hoặc khoai lang khô, nấu với ít đậu đen. Hai thứ nấu chín, dùng đũa cả (đũa bếp) xéo nhỏ và ăn. Nhà có, thì thêm chút muối vừng (mè), nhà nghèo như gia đình tôi thì ăn khoai không; một bữa là khoai cộng cơm. Tôi để cơm làm số hạng thứ hai là vì cơm quá ít, mà khoai là chính. Nói là ăn cơm cho oai, sang, chứ thật ra, gần như hai bữa khoai. Cán bộ viên chức làm hành chánh và các công việc nhẹ thì một tháng được 13 kg gạo, trong đó, có 4 kg chất độn. Tuy nhiên, với ai bị đau dạ dày, thì khỏi ăn độn, nhưng lại không được ăn gạo, mà lại ăn nếp. Ăn nếp suốt đời, e không dễ chút nào, trừ bà con dân tộc phía Bắc. Trường tôi, có thầy Ngọc phải ăn cơm nếp quanh năm, vì thầy ăn ở bếp tập thể. Còn ai ăn ở gia đình, chắc họ sẽ không ăn cơm nếp quanh năm, mặc dù bác sĩ khuyên và tiêu chuẩn của họ là cơm nếp. Do vậy, rất nhiều cán bộ viên chức, có giấy chứng nhận đau dạ dày. Chuyện này, không hiểu Bác có biết không, nhưng Bác tặng Nghệ An một bộ phim hoạt hình “Lúa ngô, khoai, sắn là con một nhà”. Phim được chiếu ở ngoài trời nhiều lần cho nhân dân xem. Sau khi Bác đi, các cơ quan, đơn vị, khi tổ chức học tập huấn thị của Bác, đều có liên hệ qua việc nhiều người đau dạ dày để được khỏi ăn độn. Nghe nói, sau đợt học tập, nhiều người đã xin rút lại chế độ đau dạ dày.

 

Ba là: Sau khi nghe Bác nói chuyện tại sân vận động Vinh, anh em bọn tôi được triệu tập lên hội trường, để nghe Bác Hồ nói chuyện với thầy trò Trường Sư phạm miền núi. Khu vực này có 4 trường gần nhau. Đầu tiên là Trường y sĩ Nghệ An, cách mấy đám ruộng là Trường Sư phạm trung cấp Vinh; sát bên trường tôi học là Trường Sư phạm miền núi của tỉnh; kế tiếp nữa là Trường Bổ túc công nông của tỉnh. Trong trường tôi học, còn có Trường Sư phạm địa phương của Nghệ An, nhờ cơ sở  của Sư phạm trung cấp Vinh, để đào tạo giáo viên cấp 2 dạy bán cấp. Vì hội trường của Trường Sư phạm miền núi nhỏ, nên trường tôi lên hội trường của trường mình và nghe Bác Hồ nói chuyện qua loa, mà không nhìn thấy mặt. Lần ấy, ngoài việc khuyên thầy trò Trường Sư phạm miền núi dạy tốt, học tốt như Trường Bắc Lý – lá cờ đầu của ngành giáo dục miền Bắc bấy giờ, để sau này về buôn, bản dạy học cho con em mình, góp phần đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

 

Có một chuyện nhỏ mà tôi nhớ mãi là trước khi nói chuyện, Bác chỉ một cô gái và nỏi: Cháu này dân tộc gì? “Dạ! Cháu dân tộc Thái!”. Sao cháu không mặc áo quần của dân tộc mình, lại mặc như cô gái Kinh vậy?”. Không nghe cô gái trả lời, Bác nói tiếp: “Ngày thường các cháu mặc sao cũng được, miễn sao đói cho sạch, rách cho thơm. Nhưng ngày lễ, ngày Tết và những lúc như thế này, nên mặc áo quần của dân tộc mình. Nhà trường cũng nên quy định, ngày nào, học sinh của trường phải mặc áo quần của dân tộc mình. Nhà trường và các cháu có đồng ý không?”. Mọi người hô to: “Đồng ý!”. Bây giờ thì nói như vậy là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến, bản sắc dân tộc. Còn lúc bấy giờ, chúng tôi chẳng hiểu gì, chỉ biết Bác dạy sao thì làm vậy.

 

Lúc Bác nói chuyện xong, Bác đề nghị mọi người hát bài “Kết đoàn”. Bác bắt nhịp và lấy giọng cho mọi người hát. Khi mọi người đang hát, Bác đi về phía trái khán đài. Cả biển người dưới sân vận động cũng dồn về phía trái. Bác lại quay lại phía phải khán đài và xuống sân. Mấy chiếc xe giống nhau cùng nổ máy. Bác lên xe, mấy chiếc xe cứ chạy lên, chạy xuống, chạy qua, chạy lại rồi rời sân vận động. Biển người đang chen lấn phía trái sân vận động, khi trở lại phía phải, thì đoàn xe của Bác đã đi xa và không ai biết Bác ngồi ở xe nào!

 

Đã 48 năm trôi qua, hình ảnh của Bác và những lời Bác dạy vẫn đọng mãi trong lòng tôi. Tôi nghĩ, đời mình cũng có nhiều may mắn: Đang học cấp II ở Quỳnh Lưu, thì được nhà trường cho đi tham quan quê Bác và thành phố Vinh; đang học ở Vinh thì được đi đón Bác và nghe Bác nói chuyện. Và tháng 7/1975, tôi là một trong những người miền Bắc, công tác ở Phú Yên, được đi phép ra Bắc sớm nhất. Trong lần đi phép ấy, tôi đã dùng giấy phép để năn nỉ các đồng chí quản lý Lăng Bác cho ba anh em chúng tôi: Tôi, Đỗ Ngọc Nhung (quê ở Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) và cô Xuân Kỳ (người ở Sông Cầu), được ghép với đoàn Phòng không - Không quân được vào viếng Bác. Hồi bấy giờ, vào lăng viếng Bác vô cùng khó, chứ không dễ như ngày nay.

 

Bây giờ, dù tuổi chưa cao, nhưng sức không khỏe, tôi nguyện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là sống vui, sống khỏe, sống có ích; làm gương cho con cháu, khuyên bảo con, cháu và gia đình sống và làm việc theo pháp luật, đoàn kết thân yêu với mọi người, xây dựng gia đình mình và các gia đình xung quanh trở thành tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần làm cho xã hội ngày một trong sạch và lành mạnh hơn.

 

TRẦN KHẮC LUYỆN

------------------

(*) Choa: Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh. Đại từ, ngôi thứ 2, chỉ số nhiều.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek