Cách đây hơn 91 năm, ngày 3/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Ðảng ta đã quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự vững mạnh của Ðảng. Ngày 14/10/1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc), Trung ương Ðảng đã quyết định thành lập các bộ, trong đó có Bộ Tổ chức (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay).
Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên. Ảnh: CTV |
Việc thành lập Bộ Tổ chức ngay sau khi thành lập Đảng đã khẳng định công tác tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với sự phát triển của Đảng. Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) quyết định lấy ngày 14/10 hằng năm làm ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Truyền thống vẻ vang
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cao trào cách mạng 1930-1931 đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng. Ngày 5/10/1930, tại nhà đồng chí Phan Lưu Thanh, thuộc xóm Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên được thành lập. Đến đầu năm 1931, toàn tỉnh có 78 đảng viên, sinh hoạt ở 17 chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh.
Yêu cầu công tác tổ chức xây dựng Đảng lúc bấy giờ đặt ra là phải có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trên phạm vi toàn tỉnh. Các đảng viên nòng cốt của tỉnh đã họp tại nhà đồng chí Nguyễn Phục Hưng ở La Hai (huyện Đồng Xuân) để bàn việc thành lập Tỉnh ủy. Tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, trong phiên họp đầu tiên (tháng 3/1931) đã thành lập các tiểu ban, trong đó có Ban Tổ chức.
Suốt chiều dài lịch sử cách mạng của Đảng, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã trải qua các thời kỳ vẻ vang và đầy tự hào. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, công tác xây dựng Đảng không ngừng củng cố và phát triển gắn với việc xây dựng kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, đoàn thể và lực lượng vũ trang phục vụ kháng chiến. Công tác đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ được duy trì, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng, phục vụ kháng chiến thắng lợi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh tập trung vào việc xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, lãnh đạo nhân dân từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện hòa hợp dân tộc, xây dựng cuộc sống mới.
Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, công tác tổ chức xây dựng Đảng đứng trước những khó khăn, thử thách mới, số lượng cán bộ của tỉnh chỉ bằng 24,5% số cán bộ tỉnh Phú Khánh (cũ). Tổ chức bộ máy và cán bộ chưa ổn định; điều kiện về kinh tế, hạ tầng cơ sở khó khăn, thiếu thốn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khi vừa tái lập có 21 đồng chí ủy viên chính thức và 7 đồng chí ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Quyết Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Trước những khó khăn của một tỉnh mới tái lập, Tỉnh ủy đề ra chủ trương tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh; động viên một số cán bộ lãnh đạo lớn tuổi tiếp tục công tác; điều động và phân công một lượng lớn cán bộ các huyện, thị xã về tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng… Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, tổ chức bộ máy của tỉnh hoạt động ổn định. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành, các huyện, thị xã và cơ sở được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Hiện tại vững mạnh
91 năm lịch sử cách mạng và của dân tộc cũng là quá trình không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức xây dựng Đảng:
Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bám sát và thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Ðảng; tiền phong, gương mẫu, trung thành tuyệt đối, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Hai là, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với phát huy dân chủ trong Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; thường xuyên tự phê bình và phê bình; giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ.
Ba là, công tác tổ chức xây dựng Đảng phải đặt nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, trí tuệ và trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt coi trọng xây dựng hạt nhân lãnh đạo, trọng dụng nhân tài.
Bốn là, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để làm tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận, các đoàn thể đối với tổ chức, cán bộ.
Năm là, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ.
Sáu là, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh và trí tuệ; sâu sát với tình hình, với thực tiễn để tham mưu đề ra nhiệm vụ, giải pháp công tác tổ chức xây dựng Đảng phù hợp, hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác tổ chức xây dựng Ðảng có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Ðảng và nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong tình hình mới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, ngành Tổ chức xây dựng Ðảng tỉnh xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là:
Tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Ðảng được xác định trong Nghị quyết Ðại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện và phát triển.
Tập trung xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ “Ðoàn kết - Trung thành - Trung thực - Trong sáng - Gương mẫu - Tinh thông - Chuyên nghiệp”.
Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng mới.
Tự hào về truyền thống vẻ vang, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên trong ngành tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, lối sống; ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao trình độ, năng lực công tác, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 44.566 đảng viên sinh hoạt tại 406 tổ chức cơ sở đảng (đảng bộ cơ sở: 253, chi bộ cơ sở: 153 và 2.169 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 6 đảng bộ bộ phận). 100% thôn, buôn, khu phố, trạm y tế xã phường, thị trấn, trường học (từ mầm non công lập trở lên) có chi bộ; 100% chi bộ quân sự cấp xã có cấp ủy. |
NGUYỄN ĐÌNH PHÚC
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy