Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Bên cạnh đó, Trung ương Đảng nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Tại tỉnh Phú Yên, nhiều cán bộ, đảng viên bày tỏ sự đồng thuận và cho rằng Hội nghị Trung ương 4 đã thể hiện quyết tâm cao nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Kỷ luật Đảng ngày càng nghiêm
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 đã thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII cũng đã chỉ ra một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi thì cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Ngay từ những hội nghị đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung vào công tác xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị cho thấy đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng. Việc bổ sung nội dung chống “tiêu cực” tại hội nghị lần này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt hơn. Quy định 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “những điều đảng viên không được làm” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất sửa đổi, bổ sung là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Các nội dung được bổ sung theo hướng chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát. Điều này cũng cho thấy kỷ luật của Đảng ngày càng nghiêm và sát với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Kết quả và thành công của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới. Từ đó xây dựng Đảng thật sự là khâu then chốt trong quá trình lãnh đạo đất nước và xã hội; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ mới; tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tăng cường giám sát và phản biện xã hội
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ hạn chế: “Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác”.
Theo ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh: MTTQ là cầu nối giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân; tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ trong việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giám sát cán bộ, đảng viên là rất xác đáng.
Trong thời gian qua, việc giám sát cán bộ, đảng viên được thực hiện theo Quy định 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”. Các nội dung giám sát của Ủy ban MTTQ được tập trung vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là: Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thứ hai là: Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.
Sau Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, các nội dung giám sát của MTTQ cần được mở rộng thêm ở các lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Công tác góp ý xây dựng Đảng cần được thực hiện thường xuyên tại MTTQ cấp cơ sở; quá trình thực hiện phải tổng kết, đánh giá ưu, nhược điểm và kiến nghị, đề xuất những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Có như vậy những hạn chế về công tác giám sát xã hội của MTTQ mà Trung ương Đảng đã đề cập trong hội nghị lần này mới thực sự được khắc phục và gắn với thực tiễn cuộc sống.
XUÂN TRIỆU