Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 22/9 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc tiếp xúc song phương trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 tại New York (Hoa Kỳ).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Hoàng tử Faisal Bin Farhan Al Saud, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Al-Mekdad, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Hassan Shoukry, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Felix Plasencia, Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua Denis Ronaldo Moncada Colindres và Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman.
Tại các buổi gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao các nước đều nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam; khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp; tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế quan trọng khác.
Với Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ; mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam về vắc xin ngừa COVID-19, vật phẩm y tế, chuyển giao công nghệ vắc xin; đề nghị tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế - thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cảm ơn Việt Nam phối hợp tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam gần đây của Phó Tổng thống Kamala Harris; mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai nước cùng quan tâm…
Với Saudi Arabia, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn nước này đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, mong muốn tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam về vắc xin, trang thiết bị y tế; đề nghị duy trì trao đổi, tiếp xúc các cấp, sớm tổ chức Tham vấn chính trị; mong muốn Ả-rập Xê-út tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, nhất là thủy sản, nông sản, tăng cường đầu tư và duy trì ODA cho Việt Nam, hỗ trợ người Việt Nam ở Ả-rập Xê-út ổn định, phát triển…
Với Syria, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn Syria sớm ổn định và thúc đẩy tái thiết đất nước; đề nghị phối hợp kỷ niệm 55 năm quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác nông nghiệp, xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Syria…
Bộ trưởng Faisal Al-Mekdad cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam dành cho Syria; mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khắc phục hậu quả chiến tranh, xử lý bom mìn và tái thiết đất nước; khẳng định sẵn sàng phối hợp tìm biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, nông nghiệp.
Với Ai Cập, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai nước tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, phát huy các cơ chế hợp tác hiện có, thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, tăng cường phối hợp tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam; khâm phục thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế trên cơ sở cùng có lợi như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng; mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ trong các vấn đề quốc tế hai nước cùng quan tâm.
Với Latvia, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; mong muốn Latvia hỗ trợ Việt Nam về vắc xin ngừa COVID-19, vật phẩm y tế trong khả năng của mình; đề nghị phối hợp cho chuẩn bị kỷ niệm 30 năm quan hệ hai nước; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo; đề nghị ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc 2023-2025…
Với Venezuela, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với Venezuela; đề nghị tiếp tục duy trì trao đổi trực tiếp và trực tuyến, họp Ủy ban hỗn hợp, Tham vấn chính trị; thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, dầu khí, tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Venezuela, nhất là nông sản, thực phẩm, dệt may.
Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam; nhất trí tăng cường quan hệ truyền thống với Việt Nam; mong muốn qua Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN…
Với Nicaragua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định tình đoàn kết, sự ủng hộ và hỗ trợ của Việt Nam đối với các nước bạn bè truyền thống; đề nghị hai nước sớm tổ chức Tham vấn chính trị, tăng cường hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, nhất là hợp tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, viễn thông…
Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam; nhấn mạnh tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác hiện có; mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam, sẽ trao đổi cụ thể trong tham vấn chính trị sắp tới.
Cũng trong ngày 22/9, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Nhóm quản trị toàn cầu (3G) lần thứ 14 dưới sự chủ trì của Singapore, nước Chủ tịch Nhóm quản trị toàn cầu 3G.
Đây là hội nghị quan trọng năm 2021 của Nhóm 3G nhằm đóng góp tăng cường quản trị toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức đa chiều, phức tạp chưa từng có hiện nay, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 sẽ diễn ra tại Ý trong tháng 10 sắp tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang chia sẻ 3 ưu tiên hợp tác toàn cầu nhằm ứng phó đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ, bền vững và bao trùm. Thứ nhất, đề nghị cộng đồng quốc tế đẩy nhanh chia sẻ vắc xin kịp thời và công bằng, thúc đẩy hợp tác về công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị.
Thứ hai, để thúc đẩy phục hồi kinh tế, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó chú trọng tăng cường sự tự cường, năng lực thích nghi trong điều kiện bình thường mới, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu ổn định, bảo đảm việc đi lại tự do.
Thứ ba, các nước cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Nhóm 3G được thành lập năm 2010 theo sáng kiến của Singapore nhằm tạo diễn đàn để các nền kinh tế nhỏ và đang phát triển trao đổi về các vấn đề kinh tế và quản trị toàn cầu của G20, hiện gồm 30 thành viên. Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia 3G, góp phần tích cực vào sự phát triển nhóm, gắn kết ưu tiên của G20 với các nước đang phát triển, trong đó có ASEAN.
Theo TTXVN/Vietnam+