Từ bao đời nay, cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta chính là từ nhân dân. “Lấy dân làm gốc” luôn là kim chỉ nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
“Mở đầu áng thiên cổ hùng văn 'Bình Ngô đại cáo' viết năm 1428, Nguyễn Trãi viết: 'Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...'." Nguyễn Trãi cũng từng đúc kết “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc, là cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân. Chính nhờ việc "lấy sức ta giải phóng cho ta", đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước.
Nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tiến tới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở đầu cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, khát vọng hùng cường của nhân dân Việt Nam vẫn được tiếp nối cho dù gặp bất kỳ nghịch cảnh nào.
Phép thử COVID-19
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn thế giới. Tính từ thời điểm đó đến nay, tại Việt Nam đã có 4 đợt bùng phát dịch diện rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Trước những biến cố đó, toàn bộ hệ thống chính trị cho đến từng người dân Việt đã đóng góp sức mình, chèo lái con thuyền của dân tộc vượt qua “sóng dữ, biển lớn”. Chưa bao giờ, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người con đất Việt lại mạnh mẽ, sâu rộng như hiện nay.
Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Với tinh thần 'chống dịch như chống giặc,' bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Quả thực, tinh thần đoàn kết vẫn luôn là sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Chung sức, đồng lòng, nhân dân ta đã vượt qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng nhau chung tay xây dựng lại đất nước đàng hoàng, to đẹp như ngày nay. Và giờ đây, nhân dân ta lại một lần nữa cùng nắm tay nhau vượt qua đại dịch.
Trên khắp dải đất hình chữ S, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân nhường cơm sẻ áo cho nhau trong những ngày này. Đó là những suất cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng hay những hỗ trợ thiết thực đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết từ mạng xã hội như Facebook, Zalo, SOS Map...
“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hũ gạo kháng chiến thời chiến tranh nay đã trở thành những ATM gạo.
Tại TP Hồ Chí Minh, nơi dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội nhất, 4 cây ATM gạo tích hợp công nghệ mới đã hoạt động từ ngày 13/7/2021. Mỗi người dân sẽ được phát 5 kg gạo; mỗi ngày máy phát từ 1,5 đến 3 tấn gạo.
Ông Lê Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Mắt bão, đại diện nhóm thực hiện ATM gạo thế hệ mới cho biết, nhóm hiện đã huy động được nguồn gạo hơn 20 tấn từ nội bộ và các nhà hảo tâm. Thời gian tới, nhóm sẽ triển khai thêm nhiều điểm đặt máy ATM gạo để hỗ trợ người dân đến nhận miễn phí.
Từ nơi xa xứ, kiều bào ta ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, dù còn nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, phát huy truyền thống đoàn kết và tương thân tương ái, đồng bào ta ở nước ngoài đã đóng góp rất thiết thực và hiệu quả để phòng, chống dịch COVID-19.
"Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 50 Tỉ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng, chống dịch. Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vắc xin, vận động sở tại hỗ trợ vắc xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin.
Lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp ở nhiều nơi. Mỗi người dân Việt ở trong nước cũng như từ khắp nơi trên thế giới đang đồng tâm, dồn sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch toàn cầu.
Khát vọng hùng cường của nhân dân Việt Nam
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Gian khó, nguy nan từ hai cuộc chiến tranh và công cuộc xây dựng lại đất nước đã hun đúc cho nhân dân Việt Nam sự kiên nhẫn, bền bỉ, tinh thần đoàn kết một lòng, dựa vào nhau để cùng phát triển, cùng thực hiện khát vọng hùng cường của đất nước như lời Bác Hồ hằng mong ước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Nhờ sự đồng lòng ấy mà vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập không khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhờ có vị thế vững chắc này mà Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tin tưởng, giao trọng trách là chủ nhà, đăng cai tổ chức những sự kiện quốc tế quan trọng như: ASEAN các năm 1998, 2010, 2020; Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) 2005; Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2006, 2017; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai 2019...
Trong năm 2020, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Năm 2021, tiếp tục định hướng đó, Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt vai trò trọng tâm của khu vực ASEAN, các nhiệm vụ của năm thứ hai trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp nhiều sáng kiến cho các cơ chế đa phương mà Việt Nam tham gia.
Nhờ vị thế và sự tin cậy Việt Nam của các nước ở khu vực và thế giới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam và khu vực ASEAN, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch; thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, thượng tôn pháp luật ở khu vực.
Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu nghị của Việt Nam đều tích cực tham gia hỗ trợ các quốc gia, đối tác gặp khó khăn.
Hiện nay, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã và đang quyết liệt thực hiện Chiến lược vắc xin, trong đó xác định ngoại giao vắc xin là một mũi nhọn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vắc xin cho biết: Với phương châm "5K + vắc xin + công nghệ", chiến lược vắc xin vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19.
Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin ngừa COVID-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vắc xin trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vắc xin là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.
Với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, đến nay, Việt Nam đã nhận được gần 24 triệu liều vắc xin từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết; trong tháng 9 tới, mặc dù thế giới rất khan hiếm vắc xin, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ vắc xin nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác.
Thực tế cho thấy, công tác ngoại giao vắc xin không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.
Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc xin phòng, chống COVID-19, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng cam kết 150 triệu liều vắc xin thông qua đàm phán mua và viện trợ. Một số đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Chống dịch như chống giặc. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 cũng khốc liệt không kém những cuộc chiến mà dân tộc ta đã từng trải qua và chiến thắng bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng.
Đó chính là niềm tin không thể lay chuyển để hướng tới một khát vọng hùng cường cho dân tộc Việt Nam - một đất nước đã trải qua muôn vàn đau thương nhưng vẫn đứng dậy ngẩng cao đầu tiến bước.
Theo TTXVN/Vietnam+