Ngày 7/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết được ban hành chỉ một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp bất thường, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (họp chiều 6/8).
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc ban hành nghị quyết để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV, trong đó có 4 nội dung khác với luật hiện hành.
Thứ nhất, quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.
Thứ hai, giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19.
Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật bảo hiểm y tế và các quy định khác có liên quan.
Trước đó, tối 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1067 xin ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19.
Ngày 6/8, Chính phủ tiếp tục có Tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định các giải pháp cấp bách khác quy định của luật.
Cuối giờ chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp, đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ để có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu phòng, chống đại dịch.
Ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV trong tháng 7/2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội đã có những quyết định rất quan trọng và kịp thời.
Với tinh thần của Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh, trong chưa đầy 2 ngày, với một quy trình đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì các cuộc làm việc với một số cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan để cho ý kiến việc trình Quốc hội xem xét thông qua việc trao một số quyền của Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID- 19.
Các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đồng thuận rất cao với quyết đáp đặc biệt của Quốc hội tại kỳ họp khi trao thêm quyền hạn, tạo thêm dư địa cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình làm việc tại kỳ họp việc thông qua Nghị quyết chung, trong đó có quy định về những giải pháp về pháp luật, quyết liệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết nhấn mạnh để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới", Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách như: quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định đây là quyết định hết sức đúng đắn của Quốc hội, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội trước Nhân dân, sự đồng hành với Chính phủ, với hệ thống chính trị và người dân cả nước trong cuộc chiến cam go nhằm đẩy lùi “kẻ thù vô hình".
Cụ thể hóa quyết định của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, ngay sau khi kết thúc kỳ họp hai ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, dịch COVID-19 với các biến thể của SARS-CoV-2 là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn; xác định cuộc chiến này còn trường kỳ, vất vả; kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp; bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc.
Căn cứ, xuất phát và tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vắc xin và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ để thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.
Có thể thấy rằng trong bối cảnh dịch bệnh thế kỷ đang diễn biến nhanh và phức tạp với rất nhiều việc xảy ra chưa có tiền lệ, đòi hỏi có những quyết định nhanh và trúng hướng, liên tục trong những ngày qua, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn đồng hành, chung sức trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Hàng loạt các quyết định quan trọng đã được kịp thời đưa ra với mục tiêu để đẩy lùi dịch COVID-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo TTXVN/Vietnam+