Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước qua hơn 20 năm đã giành được những thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH); chính trị xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững; đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, công tác xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội đạt được những kết quả rất tích cực, quyền dân chủ và những lợi ích chính đáng của nhân dân được bảo đảm, tạo lòng tin, phấn khởi trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả và thành tựu đã đạt được cũng còn nhiều khuyết điểm, yếu kém mà chúng ta không thể chủ quan xem nhẹ; trong đó có một vấn đề mà hiện nay được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm đó là tình trạng tham nhũng đang là cản trở lớn cho tiến trình phát triển của đất nước và có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ta. Với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ này, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã có nghị quyết chuyên đề về phòng chống tham nhũng, lãng phí; Quốc hội (khóa XII) đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời quyết định thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bước đầu đi vào hoạt động đã đạt được một số kết quả và chuyển biến tích cực trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng vấn đề tham nhũng vẫn là vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta không thể xem thường mà phải dám nhìn thẳng, đánh giá đúng tình hình, có sự nghiên cứu, vận dụng và học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới để có những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy lùi cho được, ngăn chặn cho được nguy cơ này.
Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:
Phải tập trung, hoàn thiện cơ chế, luật pháp, chính sách cơ chế quản lý, thủ tục hành chính, nhất là trong quản lý ngân sách, quản lý đất đai, quản lý xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, quản lý các doanh nghiệp… để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở dễ phát sinh tham nhũng.
Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương với các ban, ngành trong việc quán triệt, thực hiện nhất quán Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác nghiên cứu, thu thập tình hình và dự báo được những lĩnh vực có khả năng xảy ra tình trạng tham nhũng cao.
Trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng cần phải lưu ý phát hiện các kẽ hở, thiếu sót trong thể chế, luật pháp, chính sách để các ngành chức năng có trách nhiệm chỉnh sửa hoàn thiện.
Làm tốt công tác hoạch định chính sách và xây dựng các cơ chế trong quá trình thực hiện các biện pháp cải cách, đưa các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng vào trong các biện pháp cải cách và các quy định về chính sách. Lắng nghe rộng rãi ý kiến của các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các chuyên gia và quần chúng nhân dân để nghiên cứu và từng bước bổ sung, hoàn chỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; bởi vậy phải phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân, của báo chí tham gia vào công cuộc này, từ việc phát hiện tố giác, phê phán, lên án những hành vi tham nhũng, nhưng phải với động cơ tích cực, xây dựng, khách quan, công tâm; hết sức tránh những thông tin xuyên tạc, bóp méo, phản ánh sai sự thật về tình trạng tham nhũng. Đồng thời phát hiện những gương người tốt, việc tốt để động viên khen thưởng và nhân rộng.
Phải thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ, trong đó lấy phòng là chính nhưng phòng phải gắn liền với chống, chống cũng là để phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng; phải hết sức coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ công chức; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu biết và tích cực tham gia thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân và toàn quân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về: Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Bên cạnh việc giáo dục nâng cao đạo đức cần phải đi liền với cải thiện đời sống, tăng thu nhập chính đáng cho người lao động trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách; đây cũng là một trong những biện pháp để phòng ngừa được tham nhũng.
Đặc biệt phải luôn coi trọng đến công tác chỉ đạo kiểm tra, tăng cường việc giám sát và kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách liên quan; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng quy chế tự kiểm tra, thanh tra định kỳ trong các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước. Trước mắt, trọng tâm là phải tăng cường công tác giám sát, kiểm soát quá trình sử dụng quyền lực, áp dụng những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa việc lạm dụng quyền lực, phải cương quyết, dứt khoát khởi tố, điều tra và xử ý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật với tất cả các trường hợp tham nhũng, không phân biệt người đó là ai, ở cương vị nào; nếu vi phạm hoặc để xảy ra tham nhũng đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, đây cũng chính là để giáo dục, răn đe, phòng ngừa tham nhũng.
Trong quá trình phối hợp xử lý các vụ án tham nhũng, nhất thiết cần phải có các cơ quan tư pháp giám định về tài chính, giám định về kỹ thuật để việc kết luận điều tra các vụ án tham nhũng được vững chắc; đặc biệt giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có sự thống nhất về quan điểm trong việc đánh giá chứng cứ, định khung, định hình, tránh tình trạng “bất đồng” trong việc phối hợp xử lý một số vụ tham nhũng vừa qua, để kéo dài, gây dư luận không tốt.
Tóm lại: Tham nhũng là mặt trái của xã hội, một xã hội còn Nhà nước thì có thể còn xảy ra tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng ít hay nhiều phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của lãnh đạo, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ kiên quyết, vào cách làm đồng bộ, kiên trì, liên tục của chúng ta; muốn chống được tham nhũng trước hết là không tham nhũng, không dính líu đến tham nhũng, không để lung lạc ý chí, không để bị mua chuộc, không sợ bị đe dọa, trả thù, dũng cảm và cương quyết chống tham nhũng và phải chống tham nhũng đến cùng, đúng pháp luật; phải có biện pháp đồng bộ cả về hoàn thiện thể chế, về thủ tục, cả về công khai minh bạch để nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia giám sát, phê phán, lên án; vừa tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức nhưng đồng thời phải nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân; phát triển kinh tế phải đi liền với thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội; có như vậy chúng ta mới giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, giữ vững sự tồn vong của chế độ ta.
PHẠM NGỌC CHI - Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Phú Yên về phòng, chống tham nhũng