Thứ Hai, 23/09/2024 08:29 SA
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:
Tuyên truyền người tốt, việc tốt theo gương Bác
Thứ Hai, 23/06/2008 07:40 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại. Đạo đức của Người là đạo đức cách mạng thấm đượm chủ nghĩa nhân văn được hình thành, phát triển trong cuộc sống và hoạt động thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người mà Bác trải nghiệm.

 

bac-ho5-080623.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (2/1/1967)

 

Đối với những người làm báo, những người hoạt động, công tác trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền thì tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là “cẩm nang” làm nghề, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để suy nghĩ và vận dụng vào cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp với mục tiêu cao nhất là góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng con người mới trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Điều cốt lõi, nổi bật trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức bóc lột.

 

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, những người làm báo ra sức thấm nhuần tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, mà vấn đề thiết thực nhất là tuyên truyền người tốt, việc tốt của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng phong trào “người tốt, việc tốt”, trong 8 năm (1959 – 1966) đã sưu tầm 4.300 gương người tốt, việc tốt in trên báo chí, đóng thành 18 tập, với mục đích giáo dục, xây dựng con người, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, gương “người tốt, việc tốt” là những cái mới, cái tích cực có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp trồng người. Bởi vì, con người mới không dựa trên những tiêu chuẩn có sẵn, không hình thành một lần là xong, mà là một quá trình phát hiện, bảo vệ, bồi dưỡng, phát triển những nhân tố mới gắn với thực tiễn, nhu cầu của xã hội. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái; hạng vừa vừa và hạng kém... Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên”. Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được”. Hồ Chí Minh nhận xét: Xây dựng con người phải dựa trên những “vật liệu quý” đó, “những cán bộ không biết làm việc hoặc có cái nhìn không đúng”, chính là không thấy được tầm quan trọng của những tấm gương tập thể, cá nhân làm “những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân”, “chỉ thấy pho tượng và lâu đài mà không nghĩ đến cái nền”.

 

Như vậy, từ thực tế “người tốt, việc tốt” trong xã hội mà thấy được thực trạng chất lượng con người. Đối với Đảng và Nhà nước, trên cơ sở thực trạng các tầng lớp xã hội cụ thể để hoạch định chính sách cho thích hợp, đưa ra các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Điều có ý nghĩa lớn là coi trọng tổng kết thực tiễn, từ những sáng kiến cá nhân, gương người tốt, việc tốt nhân rộng ra cả nước, biến thắng lợi của mỗi người thành thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ thực tiễn nhanh chóng phát hiện những sai lầm, khuyết điểm mới nảy sinh, tìm ra những biện pháp để khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất những tổn thất xảy ra. Đặc biệt, phải bắt đầu từ cái vốn con người Việt Nam với tất cả những mặt mạnh, mặt yếu đang tồn tại. Chúng ta không thể ngay lập tức thay đổi mặt chất lượng và số lượng của cái vốn con người đó, nhưng bằng chính sách, cơ chế, bằng sự tập trung đầu tư sẽ nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh con người Việt Nam trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Trong việc xây dựng con người nói chung, nêu gương người tốt, việc tốt còn có mục đích giáo dục đối với cán bộ. Nói chuyện về việc làm và xuất bản sách “người tốt, việc tốt”, Hồ Chí Minh vẫn lưu ý rằng: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Muốn tu thân tốt phải gắn với việc tu dưỡng theo đạo đức cách mạng, gắn với điều kiện kinh tế – xã hội. Điều đó không phải là đóng cửa tu thân mà phải hòa mình vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, coi trọng học tập và thực hành, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, tức là không chỉ tự mình sửa chữa mà phải tích cực giúp người khác sửa chữa; phải có quan điểm quần chúng, phải dựa vào dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Đặc biệt là phải chống chủ nghĩa cá nhân ở những cán bộ, đảng viên “không có căn bản” (tức là không có đạo đức cách mạng), “coi Đảng như một cái cầu thăng quan, phát tài”.

 

Tuyên truyền người tốt, việc tốt cùng với tuyên truyền các điển hình tiên tiến, nhân tố mới tuy chưa đạt được yêu cầu là dòng chủ lưu trên báo chí, các phương tiện truyền thông. Song trong thời gian qua, “Người tốt, việc tốt” là một chuyên mục riêng, nhiều cơ quan báo chí quan tâm với những hình thức thể hiện đa dạng. Các báo Đảng, truyền hình, truyền thanh địa phương tuyên truyền “Người tốt, việc tốt” cũng khá đều đặn, nội dung có nhiều điểm mới, sinh động, người thật, việc thật có tác dụng, hiệu quả trong nêu gương và giáo dục, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Có thể thấy rằng, cùng với quá trình đổi mới, trên đất nước ta đã xuất hiện nhiều điển hình mới, nhiều gương người tốt và việc tốt. Trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống của các tầng lớp dân cư có rất nhiều người tốt, việc tốt mà báo chí tuyên truyền, phản ánh thời gian qua chính là khẳng định, biểu dương những giá trị mới của con người, của chế độ xã hội ta trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập. Báo chí đã lấy gương người tốt, việc tốt là người thật, việc thật trong xã hội để giáo dục lẫu nhau về nhân sinh quan, về lối sống, về đạo đức, về những phẩm giá của con người mới Việt Nam trong xây dựng xã hội mới “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin thiết thực nhất, góp phần xây dựng, phát triển con người toàn diện.

 

TS PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek