Thứ Hai, 23/09/2024 12:16 CH
Đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Thứ Năm, 19/06/2008 16:00 CH

Khi ngày cuối cùng của tháng 6 này kết thúc là thời điểm Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HÐBA) của LHQ trong  tháng 7-2008. Như vậy là, chỉ sau nửa năm làm Ủy viên không thường trực HÐBA, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí điều hành cơ quan quan trọng nhất của LHQ.

 

HDBA-080619.jpg

Phòng họp của Hội đồng Bảo an LHQ.

 

Sau 30 năm tham gia tổ chức Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã được các nước châu Á nhất trí đề cử và được các nước thành viên LHQ bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu ủng hộ rất cao, nhiệm kỳ 2008-2009. Ngày 1-1-2008, Việt Nam chính thức nhận vai trò quan trọng tại tổ chức quốc tế lớn nhất này.

 

Khi ngày cuối cùng của tháng 6 này kết thúc là thời điểm Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HÐBA) của LHQ trong  tháng 7-2008.

 

Chức Chủ tịch luân phiên của HÐBA trong tháng 4 do Nam Phi giữ, tháng 5 là Anh và tháng 6 là Hoa Kỳ.

 

Như vậy là, chỉ sau nửa năm làm Ủy viên không thường trực HÐBA, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí điều hành cơ quan quan trọng nhất của LHQ.

 

Ðây là một vinh dự  to lớn, song cũng là một trách nhiệm nặng nề và mới mẻ đối với chúng ta.

 

Ðặc biệt, nước giữ chức Chủ tịch HÐBA trong tháng 7 phải soạn thảo Báo cáo năm của HÐBA (từ ngày 31-7-2007 đến ngày 31-7-2008) gửi lên Ðại hội đồng LHQ. Báo cáo này tổng kết các hoạt động của HÐBA trong một năm qua trên tất cả 60 đề mục trong Chương trình nghị sự hiện nay.

 

Ngoài chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn  đặc biệt nêu trên, Chủ tịch HÐBA LHQ phải chủ trì và tiến hành bốn loại công việc khác trong tháng. Ðó là, thứ nhất: xây dựng chương trình làm việc trong tháng 7 và chương trình nghị sự của các cuộc họp của HÐBA. Ðây là công việc khá phức tạp vì phải xử lý những yêu cầu khác nhau của các nước về việc có hay không đưa vào chương trình làm việc một vấn đề nào đó, nếu có thì đưa vào thời điểm nào, những thành phần nào tham dự cuộc họp.

 

Hai là, chủ trì và điều hành các cuộc họp kín và công khai của HÐBA. Tính trung bình mỗi tháng có khoảng 40 cuộc họp. Ðể chuẩn bị cho cuộc họp này, Chủ tịch HÐBA sẽ phải tiến hành các cuộc tham khảo ý kiến không chính thức với đại diện các nước thành viên HÐBA khác, các nước, các tổ chức và cá nhân liên quan để thương lượng về dự thảo các quyết định của HÐBA, như các nghị quyết, tuyên bố.

 

Ba là, thay mặt HÐBA phát biểu ý kiến với báo chí, trả lời các câu hỏi của nhà báo, thông báo cho các nước thành viên LHQ về kết quả của các cuộc họp của HÐBA. Ðây là dịp tốt để chủ tịch tiếp xúc và nâng cao uy tín của mình thông qua cách điều hành hoạt động phức tạp này.

 

Bốn là, một số công việc khác: đại diện HÐBA trong quan hệ với các nước và tổ chức trong và ngoài LHQ, trong đó có nhiệm vụ phải thường xuyên điều hành các cuộc họp với Tổng Thư ký và lãnh đạo cấp cao khác trong Ban Thư ký của LHQ, Ðại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ (ECOSOC), các nước thành viên có yêu cầu gặp.

 

Như vậy, cùng trong một ngày và cũng có thể trong cùng một  thời gian, Chủ tịch HÐBA phải làm nhiều việc, chủ trì nhiều cuộc họp và gặp gỡ ở nhiều cấp, nhiều vấn đề khác nhau. Có những vấn đề có thời gian chuẩn bị và có những vấn đề mới nổi lên và rất mới mẻ, trong đó HÐBA phải ra quyết định hoặc phán quyết.

 

Thí dụ, Nam Phi giữ chức Chủ tịch HÐBA trong tháng 4-2008 đã phải thu xếp và chủ trì một cuộc họp cấp cao (do Tổng thống Nam Phi chủ trì) thảo luận  chủ đề "Hòa bình và an ninh châu Phi, hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi"; 37 cuộc họp cấp đại sứ về các vấn đề ở châu Phi, Trung Ðông..., thông qua sáu nghị quyết, năm Tuyên bố của Chủ tịch HÐBA và năm Tuyên bố báo chí.

 

Vương quốc Anh giữ chức Chủ tịch HÐBA trong tháng 5 phải chủ trì một cuộc họp cấp cao; 27 cuộc họp cấp đại sứ thảo luận 18 vấn đề chung và khu vực; thông qua một nghị quyết, sáu Tuyên bố của Chủ tịch HÐBA và một Tuyên bố báo chí.

 

Các vấn đề  đưa ra thảo luận tại HÐBA thường phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên liên quan, kéo dài. Nhưng có những vấn đề đột xuất. Như trong tháng 5, là tình  hình nhân đạo ở Myanmar sau cơn bão Nargis. Rồi ngày 12-6, theo đề nghị của một số nước thành viên, HÐBA đã tổ chức họp, nghe Phó Tổng Thư ký LHQ báo cáo về tình hình nhân đạo tại Zimbabwe, nơi có khoảng 60% số dân  phải sống phụ thuộc vào cứu trợ lương thực.

 

Trong các cuộc họp dày đặc  của HÐBA trong nửa năm qua về hàng loạt các vấn đề chung toàn cầu, của khu vực và một số nước, đại diện của nước ta tại tổ chức này đều đã tham gia với thái độ tích cực, xây dựng và trách nhiệm, không những phát biểu ý kiến phân tích tình hình, bày tỏ thái độ mà còn đề xuất những đề nghị, sửa đổi và giải pháp đối với các vấn đề nêu ra trên cơ sở bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, khẳng định chủ quyền của các nước, tôn trọng tôn chỉ và mục đích của LHQ...

 

Nhiều đề nghị của Việt Nam đã được HÐBA ghi nhận và đưa vào các văn kiện của HÐBA. HÐBA cũng như các nước thành viên và dư luận quốc tế  đã đánh giá cao sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại HÐBA. Tạp chí Nhà Kinh tế của  Anh đã có một loạt bài về hoạt động của Việt Nam tại HÐBA, trong đó nhận xét: Việt Nam đã tích cực thể hiện quan điểm và tìm giải pháp cho các vấn đề quốc tế.

 

Ðể thực hiện có hiệu quả cao vai trò nước Ủy viên không thường trực HÐBA của LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, lãnh đạo nước ta đã có sự chuẩn bị lực lượng cán bộ cho Phái đoàn thường trực tại LHQ với tinh thần chủ động, tích cực tham gia và đóng góp vào các vấn đề quốc tế.

 

Theo ông Lê Hoài Trung, Vụ trưởng Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao, ngoài việc tăng cường cán bộ cho Phái đoàn tại LHQ, chúng ta đã thành lập những tổ công tác nghiên cứu các vấn đề quốc tế và phối hợp chặt chẽ với phái đoàn tại LHQ.

 

            

Theo NDO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek