Chủ Nhật, 06/10/2024 15:26 CH
Trò chuyện cùng lão nhà báo Đặng Minh Phương
Thứ Bảy, 19/06/2021 07:30 SA

Lão nhà báo Đặng Minh Phương tặng tập sách mới in cho tác giải bài viết trong một dịp về quê ở Liên Trì, phường 9 (TP Tuy Hòa) cúng giỗ ông bà. Ảnh: MINH KÝ

Thời đại đã tạo ra một nhà báo Đặng Minh Phương, từ một chàng trai yêu nước nơi quê hương Bình Kiến (nay là phường 9, TP Tuy Hòa) đi làm cách mạng, trở thành chiến sĩ, nhà báo. Với tài năng thiên bẩm, ông không chỉ là một nhà báo giỏi thời kháng chiến mà còn là cây bút sắc sảo trong thời bình.

 

Nhà báo Đặng Minh Phương sinh năm 1928, năm nay đã ở tuổi 93, nhưng trời cho ông sức khỏe vẫn còn tốt, minh mẫn, một năm đôi lần từ Hà Nội về quê ở khu phố Liên Trì (phường 9, TP Tuy Hòa) để cúng giỗ ông bà. Tôi may mắn được trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện làm báo của cụ.

 

Vào nghề

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra trên quê hương Phú Yên, chàng trai Đặng Phò (sau này làm báo, ông lấy bút danh Đặng Minh Phương), năm ấy đúng 17 tuổi, là Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Bình Kiến, chính thức đi làm cách mạng. Một năm sau, ông là Phó Bí thư Thanh niên huyện Tuy Hòa. Ngày 28/5/1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Theo phân công của tổ chức, Bí thư Thanh niên Đặng Phò vào Ninh Thuận để gây dựng phong trào. Trên đường đi đến Nha Trang ông bị địch bắt. Tấm thẻ căn cước trong người là “thợ cúp tóc”. Ông bị giam ở khám lớn Nha Trang 4 tháng, địch không tìm được chứng cứ liên quan đến hoạt động Việt Minh của ông nên chúng thả ông ra. Đầu năm 1950, Đặng Phò được điều về làm phóng viên Báo Cứu Quốc Nam Trung Bộ.

 

Chưa học báo chí ngày nào, được phân công ngay công việc phóng viên chiến trường, đó cũng là nhiệm vụ cách mạng giao, nên ông không ngần ngại tiếp nhận trong tâm thế sẵn sàng, vừa làm vừa học.

 

Lão nhà báo Đặng Minh Phương nhớ lại: Tôi đến Ủy ban Kháng chiến hành chính khu (đóng trong nhà dân, thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) để nhận thẻ phóng viên. Tôi bày tỏ với anh Phan Thao, chủ nhiệm báo là tôi chưa từng làm báo. Anh cười bảo, chính anh cũng chưa ngày nào được học nghề báo, việc cách mạng giao cứ mạnh dạn nhận rồi sẽ quen, cái chính là yêu nghề, chịu khó học hỏi. Thời ấy, báo được in bằng máy đạp chân, in trên giấy nứa, mỗi kỳ ra được 4.000-5.000 bản, phân phát hết cho bộ đội, nhân dân vùng tự do thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ.

 

Vừa làm báo, vừa làm dân vận, nhà báo Đặng Minh Phương đã trực tiếp tham gia, chứng kiến và phản ánh nhiều sự kiện lịch sử trên địa bàn Liên khu 5. Ông trực tiếp tham gia cùng “Tiểu đoàn lá mít” (có phiên hiệu chính thức là Tiểu đoàn 365, do chiến sĩ hay lấy lá mít gài trên mũ khi hành quân nên dân địa phương trìu mến gọi như vậy) đánh nhiều trận oai hùng như trận Suối Cối (Đồng Xuân), Bàn Nham (xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa).

 

Những năm tháng làm báo chiến trường, nhà báo Đặng Minh Phương đã viết nhiều bài về quân sự, về hậu phương người lính, chiến tranh nhân dân, những bài đấu tranh trực diện với kẻ thù...

 

Tháng 3/1955, Đặng Minh Phương tập kết ra Bắc, sau đó được điều động về Báo Nhân Dân. Làm việc ở Báo Nhân Dân được 10 năm, tháng 7/1966, ông đi B phụ trách Báo Cờ Giải Phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất ông trở lại Báo Nhân Dân, nhiều năm làm Trưởng cơ quan thường trú tại Đà Nẵng. Ông nghỉ hưu năm 1993.

 

Nhà báo phải chính trực, không uốn cong ngòi bút

 

Với nhà báo Đặng Minh Phương, quan điểm và phương châm làm báo rất rõ ràng. Đó là, thông tin phải sát với thực tế, mang hơi thở cuộc sống, người làm báo phải chính trực, rèn chữ “Dũng” để không uốn cong ngòi bút.

 

Lão nhà báo Đặng Minh Phương nhớ và kể lại một vài kỷ niệm làm báo của ông, mà tôi nghĩ bất cứ nhà báo nào cũng phải học, phải rèn. Đó là thời kỳ đầu về Báo Nhân Dân ông thường trú tại H, một thành phố lớn có nhiều nhà máy xí nghiệp. Đã xảy ra một sự việc đụng chạm đến người đứng đầu đảng bộ thành phố. Cuối năm 1958, Trung ương phát động cuộc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh. Nhà báo Đặng Minh Phương phát hiện nhiều sự việc chỉ đạo không sâu sát, thiếu chặt chẽ của thành ủy đối với đảng bộ nhà máy điện, nơi được chọn làm thí điểm. Ông viết bài “Mấy ý kiến về việc kiểm thảo của Đảng bộ nhà máy điện thành phố H”. Trong đó vạch ra những bất cập trong chỉ đạo của thành ủy. Thời đó, trong nước rất hiếm việc nêu đích danh, khuyết điểm của người lãnh đạo đứng đầu địa phương. Ban Biên tập Báo Nhân Dân tin vào tính phát hiện và tầm nhìn của người viết, cân nhắc rất kỹ nội dung trước khi cho đăng. Sau khi phát hành, bài báo của ông gây xôn xao dư luận.

 

Trong cuộc họp sơ kết cuộc vận động, bí thư thành ủy kiêm chủ tịch UBND thành phố rất bức xúc và đã có lời lẽ gay gắt về người viết bài. Có mặt trong cuộc họp, nhà báo Đặng Minh Phương đã từ tốn phát biểu, giữ nguyên chính kiến của mình. Sau đó, ông bí thư phải xin lỗi phóng viên vì đã nói “quá lời”. Trong hội nghị tổng kết cuộc vận động, Bộ trưởng Công nghiệp Lê Thanh Nghị, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động cũng đã thẳng thắn phê bình cách làm chưa tốt của thành phố H, giống như nội dung mà báo Đảng đã chỉ ra.

 

Một câu chuyện khác về nhà báo phải có dũng khí để bảo vệ cái đúng, đứng về phía chính nghĩa, bảo vệ cá nhân bị trù dập. Hồi năm 1988, khi đang thường trú ở Đà Nẵng, nhà báo Đặng Minh Phương đã minh oan được cho một trung tá quân đội. Do ông trung tá tố cáo một việc tiêu cực diễn ra trong nội bộ đơn vị nên đã bị trù dập, khai trừ Đảng, cắt lương, cho về hưu sớm. Bài báo của ông trên Báo Nhân Dân phản ánh sự việc này, bị chỉ huy đơn vị phản ứng quyết liệt. Thế rồi sau nhiều cuộc họp ở các cấp với những chứng cứ vững chắc báo đã nêu, cuối cùng thì lẽ phải thuộc về người bị hại, ông trung tá được trả lại nguyên lương, phục hồi Đảng tịch.

 

Ông kể một mẩu chuyện mà chính ông trải nghiệm khi còn là phóng viên Báo Nhân Dân ở Hà Nội. Lần ấy, tổng biên tập giao ông đến mời nhà văn Nguyễn Tuân viết bài cho báo. Cụ Nguyễn nhận lời và đúng hẹn ông đến tận nhà nhận bài về tòa soạn. Qua khâu biên tập, yêu cầu sửa một chữ trong bài viết. Tôi lại được giao nhiệm vụ đến trao đổi trực tiếp với cụ Nguyễn Tuân. Cụ Nguyễn nghe trình bày xong, ông bảo: Trước khi viết, tôi treo từng chữ lên gõ, chữ nào kêu, nghe êm tai tôi mới viết. Về thưa lại với tổng biên tập, báo không dùng thì... bỏ! Nhà báo Đặng Minh Phương kể, lúc ấy ông nhanh trí mời cụ Nguyễn Tuân hôm sau đến hẳn tòa soạn để “tranh luận” và cụ nhận lời. Câu chuyện hôm sau giữa nhà văn Nguyễn Tuân với ban biên tập khá căng thẳng, cuối cùng, cụ Nguyễn đấu dịu: Vì sự tha thiết của Tổng Biên tập Hoàng Tùng, đảng viên Nguyễn Tuân chấp hành đề nghị của báo Đảng, còn công dân, nhà văn Nguyễn Tuân thì không!

 

Nhà báo - nhà văn

 

Nhà báo Đặng Minh Phương là người làm báo được đồng nghiệp cùng thời và các lớp nhà báo gạo cội kính nể bởi sự xông xáo, nhiệt tình và chính trực. Bên cạnh chính danh nhà báo, ông còn là một nhà văn, nhà thơ trào phúng có trách nhiệm trước thời cuộc.

 

Nhà báo Đặng Minh Phương có nhiều sách, thơ đã xuất bản, trong đó có tập sách xuất bản gần nhất tháng 8/2019 “Nhà báo - Nhà văn đôi nét”. Tập sách là tập hợp những bài thơ ông tâm đắc, câu đối, ca dao lẻ và các bài viết của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về ông. Qua lăng kính của họ, chúng ta càng hiểu, yêu mến và kính trọng hơn một nhà báo lão thành, người con của quê hương Bình Kiến kiên trung, là tấm gương sáng với những bài học lớn để các lớp thế hệ người làm báo học tập.

 

“Đặng Minh Phương rất chung thủy với nhà báo và cũng rất chung thủy với giọng thơ trào phúng của mình. Thời chiến tranh, thơ trào phúng của Đặng Minh Phương chĩa vào kẻ thù. Sang đến thời bình hôm nay, thơ trào phúng của Đặng Minh Phương lại chĩa vào những kẻ thoái hóa “nhân danh cách mạng” mà làm bại hoại lòng tin của nhân dân”, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết.

 

Còn nhà báo lão thành Phan Quang viết về người bạn đồng tuế, đồng nghiệp, đồng chí và nhiều năm đồng… cơ quan, một cách trân trọng: “Với 60 năm thâm niên nghề nghiệp, Đặng Minh Phương từng tung hoành trên nhiều lĩnh vực. Hai lần xông pha bom đạn ở chiến trường Liên khu 5, ở đó tiếng cười Đặng Minh Phương giòn giã hơn bất cứ thời nào. Đất nước thống nhất, anh nhiều năm trấn thủ, lưu đồn ở chiến trường xưa với tư cách Trưởng cơ quan báo Đảng tại miền Trung. Anh là một cây bút năng nổ của Báo Nhân Dân. Anh có không ít phóng sự, bút ký, điều tra gây chấn động. Ngày nay, chẳng hề quan tâm đến cái mốc “cổ lai hy” lùi tít mãi sau lưng, Đặng Minh Phương mải mê viết những bài bút chiến với tư liệu dồi dào, lập luận vững chắc, nêu chính kiến về một số vấn đề hoặc nhân vật lịch sử đang có sự nhìn nhận bất đồng trong giới học thuật”.

 

Sức chiến đấu bền bỉ từ lúc nghỉ hưu (1993) đến nay, như chính nhà báo Đặng Minh Phương tự bạch: “Nghề báo phấn đấu dài dài/ Giã từ biên chế vẫn cày thâu đêm/ Đến khi quản bút đã mềm/ Ruột bút hết mực lăn kềnh chưa thôi…” (Giao lưu nhà báo về hưu).

 

Nói về nghề báo, hay lời khuyên cho lớp người làm báo sau này, lão nhà báo Đặng Minh Phương nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt, phải sáng tạo và hiểu rõ trách nhiệm của người làm báo: “…Cái nghề viết lách/ Không giàu có nhờ mùa gặt cũ/ Hôm qua viết được bài hay/ Ngày mai chưa chắc/ Trang giấy không có đường mòn” và “Những câu hỏi không bao giờ cũ/ Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào đây?/ Luôn phải nghĩ suy, khi cầm cây bút”.

 

Cả cuộc đời cầm bút, nhà báo Đặng Minh Phương đã viết hàng ngàn bài báo, tiểu phẩm văn thơ. Các tác phẩm thơ đã được xuất bản: Từ ánh lửa xanh, Vỏ quýt dày móng tay nhọn, Không có vùng cấm, Tiếng chào từ lòng cát, Thoáng ánh sao văn, Đường qua điểm sáng Nhà báo - Nhà văn, đôi nét.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek