Nhân dân ta vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nên ở thời đại nào người cao tuổi cũng được trọng dụng, tôn vinh. Bởi vì người cao tuổi không chỉ có công sinh thành dưỡng dục lớp trẻ, mà còn là những người mẫu mực, nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, đi đầu trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước.
Năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, ngày 6/6 Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này), đã viết lời “Kính cáo đồng bào” cả nước, trong đó có đề cập đến vai trò của người cao tuổi. Lời kính cáo nêu “tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến; và kêu gọi “các bậc phụ huynh, các bậc hiền huynh chí sĩ noi gương phụ lão đời Trần nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước”. Cũng trong những ngày đầu tháng 6/1941, Nguyễn Ái Quốc đưa ra “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các cụ phụ lão”, nhấn mạnh “trách nhiệm của phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm, nhân dân làm theo. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, trong sự nghiệp chống bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều bậc lão thành đã góp công sức, trí tuệ, và cả một phần xương máu của mình để đem lại độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong hơn 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lực lượng người cao tuổi, tuy sức khỏe có yếu, đã thực sự đóng góp tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, góp ý tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, góp phần tích cực vào khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định sự nghiệp chăm sóc và phát huy tiềm năng người cao tuổi là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, của gia đình và toàn xã hội.
Tháng 4/2002 Liên Hợp Quốc ra Tuyên bố chính trị và Chương trình hành động Madrid về người cao tuổi, khẳng định kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức và nguồn lực của người cao tuổi là một tài sản vô giá cho sự phát triển; người cao tuổi phải được hưởng một cuộc sống đầy đủ, có sức khỏe, được an toàn và được tham gia đầy đủ vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Những ý tưởng nêu trên của Liên Hợp Quốc từ hơn 60 năm trước, Bác Hồ đã đề cập đến và suốt từ đó đến nay, thể hiện rõ trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt là từ ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập, đoàn kết, tập hợp hơn 6 triệu học viên, từ đó sự nghiệp chăm sóc, phát huy tiềm năng người cao tuổi được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả cao hơn.
Kỷ niệm Ngày truyền thống Người cao tuổi (6/6), các cấp hội người cao tuổi ở Phú Yên đang tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” lập thành tích kỷ niệm lần thứ 60 ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; cùng với toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức họp mặt tọa đàm và mừng thọ các cụ cao niên nhân ngày truyền thống của Hội; tổ chức hội diễn văn nghệ từ cơ sở lên huyện, thành phố, tiến đến Hội diễn văn nghệ người cao tuổi toàn tỉnh lần thứ hai (dự định diễn ra vào trung tuần tháng 6/2008). Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời việc trợ cấp cho các cụ cao niên theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Chúc các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích, xứng đáng với sự tôn vinh và trách nhiệm cao cả mà Đảng và dân tộc mong muốn: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
BẰNG TÍN