Thứ Ba, 24/09/2024 08:27 SA
Tăng cường vai trò báo chí trong phòng chống tham nhũng
Thứ Ba, 03/06/2008 15:58 CH

Khác với hai cuộc đối thoại trước, Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần 3 giữa các Nhà tài trợ và các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Chính phủ diễn ra sáng 3/6 dành một số ghế đại biểu danh dự cho phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương.

 

Sau hai lần đối thoại đề cập những vấn đề tổng thể, cuộc đối thoại lần thứ 3 bắt đầu đi sâu vào chuyên đề cụ thể. Vấn đề tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của cán bộ công chức trong cải cách hành chính là chủ đề chính của cuộc đối thoại lần này.

 

doi-thoai--080603.jpg
Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 3 tại Hà Nội. Ảnh:VNN

 

BÁO CHÍ NÊN GIÁM SÁT THI TUYỂN CÁN BỘ

 

Ngoài những quan tâm riêng liên quan đến chủ đề chính, các nhà tài trợ quốc tế đã dành nhiều thời gian chia sẻ nội dung liên quan đến việc tăng cường hơn nữa vai trò của báo chí trên mặt trận phòng, chống tham nhũng.

 

Đại sứ Hà Lan, Australia, Mỹ, Thụy Điển, Trưởng đại diện UNDP, Bộ phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam lần lượt phát biểu kiến nghị phát huy vai trò giám sát, quyền tiếp cận thông tin và nâng cao năng lực của báo chí. 

 

Đại sứ Hà Lan cho rằng báo chí phải có vai trò trung tâm, không thể minh bạch hóa nếu không có sự tiếp cận thông tin báo chí, trong khi Đại sứ Australia nhấn mạnh báo chí là đối tác quan trọng của Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng.

 

Đối thoại với các nhà tài trợ, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh chính sách coi trọng báo chí như một kênh quan trọng góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả ở Việt Nam.

 

Ông Truyền dẫn ra việc bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch vừa qua có công lớn của báo chí trong việc phát hiện lý lịch của người được bổ nhiệm. Nhờ đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời xử lý để việc bổ nhiệm diễn ra theo đúng nguyên tắc.

 

Tại cuộc đối thoại này, phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân và Website Chính phủ được xếp ghế đại biểu danh dự như các đại biểu khác.

 

Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, ông John Hendra đồng tình, việc bổ nhiệm người đứng đầu Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch vừa qua cho thấy công lớn của báo chí và càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

 

Đại diện UNDP cũng kiến nghị việc thành lập một cơ quan quản lý dữ liệu, thông tin quốc gia liên quan đến vấn đề này.

 

Ông Matthieu Salomon, cố vấn về chống tham nhũng của Đại sứ quán Thụy Điển thì cho rằng, khả năng giám sát việc thi tuyển và thăng chức đối với cán bộ công chức của báo chí có thể là một công cụ hữu hiệu để phát hiện các vụ tham nhũng.


CÔNG CHỨC CHƯA CHUYÊN NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIÊM

 

Đề cập đến tính chuyên nghiệp và tính trách nhiệm của đội ngũ công chức Việt Nam, chủ đề chính của cuộc đối thoại, ông Đinh Văn Minh, Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhận định là "không cao, không có sự chuyên tâm và công tâm trong công việc".

 

Ông Minh chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên đó là chế độ tuyển dụng và sử dụng công chức còn nhiều bất cập cả trong các quy định và trên thực tế. Bên cạnh đó là lề lối làm việc tùy tiện, chế độ tiền lương quá thấp nên khó có thể đòi hỏi công chức chuyên tâm vào công việc.

 

Theo ông Minh, hệ lụy đó là không ít người phải dành phần lớn trí tuệ và thời gian, trong đó có cả thời gian công vụ, để làm thêm những "nghề" khác, mà đôi khi mang lại thu nhập chính chứ không phải tiền lương công chức, để nuôi bản thân và gia đình.

 

Ông Matthieu Salomon, Đại sứ quán Thụy Điển thì cho rằng, mặc dù các thủ tục tuyển chọn công chức đều phải minh bạch và dựa vào tiêu chí "tài năng" nhưng nguyên tắc về tài năng không được coi là tiêu chí cơ bản một cách rõ ràng trong việc tuyển dụng và v thăng chức đối với công chức. Theo ông Salomon, ở Việt Nam, công trạng không phải là tiêu chí chính để tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng chức cho cán bộ công chức. Do đó đã làm giảm động lực tăng cường tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. 

 

"Cần phát triển nền hành chính công minh bạch với các tiêu chí cụ thể cho việc đánh giá cán bộ, công chức để tuyển dụng và thăng chức, trong đó có việc phát triển chính sách nhân lực rõ ràng, mạch lạc."

 

Trong khi đó, liên quan đến cải cách công vụ, đại diện UNDP cho rằng hiện nay, với những hạn chế hiện hành của hệ thống giáo dục Việt Nam, cơ sở nguồn nhân lực còn yếu, sự chảy máu chất xám đội ngũ cán bộ có trình độ rời bỏ khu vực công sang khu vực tư, trong điều kiện tốt nhất, một nền công vụ mới sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của những "cá nhân ưu tú" trong nền hành chính công và sẽ có thể cần sự chuyển đổi của hơn hai thế hệ công chức để đạt được kết quả như mong muốn. 

 

Theo UNDP, Luật chống tham nhũng năm 2005 tập trung quy định việc công khai và minh bạch hóa công tác tổ chức và quản lý cán bộ. Các bộ quy tắc ứng xử của công chức hiện đã và đang áp dụng đối với các công chức và nằm trong điều 36 của Luật này. Mặc dù hình thức kỷ luật đối với công chức ngày một cao hơn, nhưng hiệu quả của những bộ quy tắc này vẫn tồn tại những hạn chế và thiếu một cơ chế giám sát mang tính hệ thống.

 

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thì kiến nghị, nền công vụ Việt Nam cần phải vượt qua các yếu kém về chất lượng, trong đó có nguyên tắc, phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, sự cống hiến, thái độ, đạo đức và nhân cách.

 

Theo quan điểm của ADB, cách quản lý nền công vụ của Việt Nam căn bản là sự đồng thuận, lấy ý kiến tập thể và từ trên xuống. "Cần phải nhấn mạnh hơn vào việc đạt được các đầu ra và kết quả"

 

Cũng theo ADB, Việt Nam cần đảm bảo được rằng các nguồn lực được phân bổ có hiệu quả hơn tới các dự án khả thi. Bộ máy chính quyền cần hướng tới sự tập trung vào tinh thần trách nhiệm và sự quản lý hướng tới kết quả, đồng thời ngày càng kiên quyết không khoan nhượng đối với sự lãng phí, tham nhũng.

 

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan thanh tra Nhà nước đã thanh tra 1199 cuộc phát hiện sai phạm với tổng giá trị 1200 tỷ đồng, yêu cầu các cơ quan, tổ chức đơn vị có sai phạm nộp ngân sách Nhà nước 797 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật 59 tập thể, 263 cá nhân có sai phạm.

Qua tổng hợp kết quả 105/107 cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tăng thu cho ngân sách là 2789 tỷ đồng, thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng sai quy định là 3216 tỷ đồng.

 

Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới 117 vụ án với 280 bị can về các tội danh tham nhũng. Số tiền, tài sản tham nhũng được kiến nghị tịch thu, sung công quỹ trong các vụ án đã kết luận điều tra là 33,6 tỷ đồng.

 

(Trích báo cáo phát biểu của Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ tại Cuộc Đối thoại)

Theo VNN

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek