Chủ Nhật, 12/01/2025 02:52 SA
Mùa thu cách mạng chói ngời lịch sử
Thứ Hai, 24/08/2020 07:00 SA

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: TƯ LIỆU

Mùa thu Cách mạng Tháng Tám cách đây 75 năm, là sự kiện lịch sử trọng đại, trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Những sự kiện của Cách mạng Tháng Tám đã, đang và mãi mãi cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

 

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên đất nước ta bị lật nhào.

Từ ngày 13-17/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Nghị quyết hội nghị nêu rõ: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ”. “Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập”. “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”. “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Trên cơ sở phân tích chính xác tình hình, hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và quân Tưởng vào Đông Dương.

 

Hội nghị đề ra ba nguyên tắc nhằm bảo đảm sự thắng lợi của tổng khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo, đó là: tập trung lực lượng vào những việc chính; thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.

 

Hội nghị đã chủ trương: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”; “quân sự và chính trị phối hợp”, “làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”; “chớp lấy những căn cứ chính (cả đô thị) trước khi quân Đồng minh vào”...

 

Đây là những chủ trương kịp thời, kế hoạch đúng đắn; biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong giờ phút quyết định và là cơ sở quan trọng để tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

 

Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã cướp chính quyền từ tay địch, giương cao cờ đỏ sao vàng, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội chính thức thành lập.

 

Cùng với Hà Nội, nhân dân các tỉnh Thái Bình, Phúc Yên, Khánh Hòa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19/8. Sau đó, các cuộc khởi nghĩa nổ ra đồng loạt mang tính dây chuyền, thành công nhanh chóng tại các tỉnh trên cả nước: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Sơn Tây (20/8), Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Tân An (21/8); Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An (22/8); Hải Phòng, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế (23/8).

 

Ngày 23/8/1945, nhân dân Huế giành chính quyền, lật đổ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm, đập tan bộ máy cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngày 24/8, khởi nghĩa tiếp tục nổ ra và giành thắng lợi ở các tỉnh Hà Nam, Quảng Yên, Đắk Lắk, Phú Yên, Gò Công. Ngày 25/8, chính quyền bù nhìn bị đánh đổ ở TX Lạng Sơn, Phú Thọ, Kon Tum, Bình Thuận.

 

Sáng 25/8, các đơn vị “Xung phong công đoàn”, “Thanh niên tiền phong”, công nhân, nông dân từ các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho có trang bị giáo mác, gậy tầm vông kéo về đường phố. Quần chúng nhanh chóng làm chủ tình thế, chiếm Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà máy điện... và giành toàn bộ chính quyền ở Sài Gòn.

 

Đồng thời với khởi nghĩa ở Sài Gòn, nhân dân các tỉnh Nam Bộ như Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc đã khởi nghĩa giành thắng lợi.

 

Ngày 26/8, TX Hồng Gai, Sơn La, Châu Đốc, Biên Hòa, Cần Thơ được giải phóng. Ngày 27/8, nhân dân Rạch Giá giành chính quyền; ngày 28/8 chính quyền bù nhìn bị lật đổ ở Đồng Nai Thượng, Hà Tiên.

 

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên đất nước ta bị lật nhào. Tuy nhiên, một vài nơi như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái, Hải Ninh do quân Tưởng và bọn phản động chống lại nên sau một thời gian dài đấu tranh gay go, phức tạp mới giành được thắng lợi.

 

Ngày 25/8/1945, nhân dân Sài Gòn biểu tình rầm rộ, cướp chính quyền trong tay bọn thực dân, gương cao cờ đỏ sao vàng, ngọn cờ đã tung bay trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/9/1940. Cũng trong ngày 25/8/1945, Hồ Chí Minh cùng với Trung ương về Hà Nội chuẩn bị cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Ngày 30/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Ông vua cuối cùng ở Việt Nam - diễn ra ở Lầu Ngọ Môn (Huế), chấm dứt chế độ quân chủ và quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

 

Ngày 2/9/1945, Lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

NGUYỄN VĂN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek