75 năm trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử hào hùng của ngày Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn mãi sống dậy trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá cho cách mạng Việt Nam trong tiến trình phát triển. Trong đó bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong chiến tranh giải phóng mà còn tiếp tục soi rọi trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ chế độ thực dân phong kiến trên đất nước ta, đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm và quyết định nhất là đã kế thừa và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đó đã được Đảng và nhân dân ta phát huy cao độ, trở thành sức mạnh vô địch, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do.
Toàn dân nổi dậy khởi nghĩa
Thực hiện sứ mệnh cao cả đó, Đảng ta đã chú trọng công tác tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên nền tảng liên minh công - nông vững chắc. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã chủ động chuyển hướng chiến lược phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Theo đó, khẩu hiệu tập hợp lực lượng đã chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chống kẻ thù chính của dân tộc là thực dân xâm lược. Để thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh giải phóng, Đảng đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh. Cho tới năm 1943-1944, các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Đảng ta ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định rõ phát xít Nhật là kẻ thù chính; đồng thời đưa ra khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Chủ trương đó được nhân dân đồng tình ủng hộ, vì phát xít Nhật chính là kẻ đang thực hiện chính sách đàn áp, bóc lột hết sức tàn bạo, dã man, gây hận thù lớn với nhân dân ta. Trong lúc cao trào kháng Nhật đang sục sôi khí thế cách mạng, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Đảng lại kịp thời đưa ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu hợp lòng dân đó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, đưa hàng triệu quần chúng vào cao trào khởi nghĩa, đánh đổ chính quyền phát xít và tay sai. Ngay khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến. Đảng đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đáp lại lời kêu gọi đó, đồng bào cả nước đã đồng loạt đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở khắp các địa phương trong cả nước, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Như vậy, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trong điều kiện thời cơ đã chín muồi, nhưng chính khí thế của quần chúng, biểu hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, đã làm cho các thế lực phản động khiếp sợ. Sức mạnh của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được kế thừa và phát huy cao độ. Bài học phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng thành công trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.
Củng cố khối đại đoàn kết
Kế thừa và vận dụng bài học phát huy sức mạnh toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta tiếp tục chủ trương phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Đảng đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể nói, sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là nội lực mà từng tổ chức cơ sở Đảng hiện nay cần khơi dậy trên mỗi bước đi lên của cách mạng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, ngoài linh hoạt áp dụng bài học lịch sử vào thực tiễn địa phương, các cơ sở Đảng cần đi sâu vào dân để hiểu dân, nâng cao lòng tin của dân với Đảng.
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn. Vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội thông qua tổ chức MTTQ. Mối quan hệ gắn bó giữa MTTQ và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chăm lo an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhìn lại bài học lịch sử về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của mùa thu năm 1945, chúng ta thấy vẫn vẹn nguyên giá trị. Để cụ thể hóa bài học lịch sử ấy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những thành quả cách mạng Việt Nam đã đạt được, dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh, trí tuệ của một chính Đảng Cộng sản được lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, với sự quản lý điều hành năng động, sáng tạo của Nhà nước cách mạng Việt Nam, với tài năng, trí thông minh, đức tính cần cù, ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của nhân dân ta, tiếp tục vận dụng bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để vững tin vào sự hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
NGUYỄN THỊ HOA
(Trường Chính trị tỉnh)