Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020”.
Phát huy tối đa sự phân cấp
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nhiều tiêu cực, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 5,2% trong năm 2020. Trong nước, mặc dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đối với kinh tế-xã hội là khá nặng nề.
Theo đó, đại biểu Phương Hoa đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cụ thể, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế trong hoàn cảnh này là rất cần thiết, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng cho thấy sự tin tưởng Việt Nam là điểm đến an toàn.
Trước cơ hội này cùng với lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19, Việt Nam phải có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp thu hút các tập đoàn quốc tế lớn, có tiềm lực về tài chính và công nghệ đang quan tâm đến thị trường Việt nam.
Theo bà Hoa, “Việt Nam cần có những ưu đãi mới có tính cạnh tranh so với các quốc gia khác, do đó cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ ở mức cao hơn để Thủ tướng chủ động có các phương án cụ thể đàm phán với các nhà đầu tư.
Thêm vào đó, Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo hướng thủ tục rút gọn, hay như một luật sửa nhiều luật đồng thời kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới có tính chất đột phá, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn phát triển mới hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên”.
Nhấn mạnh chặng đường phía trước còn lắm gian nan và cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bà Hoa cũng đề nghị Chính phủ cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng và liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử.
Điểm nhấn để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, bà Hoa cho rằng hơn lúc nào hết Việt nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó chú trọng phòng, chống bằng cải cách về thể chế, bằng sự công khai, minh bạch của pháp luật và các hoạt động kinh tế.
“Những bất cập của cơ chế chính sách, của pháp luật được phát hiện qua quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần phải được sửa đổi kịp thời”, bà Hoa nói.
Hết sức thận trọng khi mở lại các đường bay quốc tế
Với tinh thần "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết", trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh trong khu vực và thế giới còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục thực thi các giải pháp phòng chống dịch COVID–19 một cách phù hợp hơn, không nên chủ quan, mất cảnh giác đồng thời phải hết sức thận trọng khi mở các đường bay quốc tế trong thời gian tới.
Về tình hình kinh tế - xã hội, theo đại biểu cần có sự điều chỉnh thích hợp khi Nhà nước bảo đảm nhiều mục tiêu khác nhau cũng như nguồn lực đầu tư phát triển.
“Việt Nam cần tăng cường củng cố nguồn lực nhằm vượt qua thử thách khó khăn trong năm 2020, qua đó tạo sự vững chắc và chuẩn bị bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh kịp thời quy trình kế hoạch xuất nhập khẩu ngành nông - lâm - thủy sản phù hợp với tình hình diễn biến bất thường, thiên tai dịch bệnh. Rút kinh nghiệm và tránh không để lúng túng, bị động như điều chỉnh xuất khẩu gạo trong đêm khuya hay việc giảm giá thị lợn như trong thời gian vừa qua”, ông Tạo phát biểu.
Để thích ứng với tình hình mới, đại biểu Lê Thu Hà (Long An) chỉ ra trong khủng hoảng COVID-19 nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đã khẩn trương tân dụng và thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế số, từ đó tạo động lực đẩy nhanh quá trình phát triển của kinh tế thế giới. Số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị, xu hướng này mang đến cả cơ hội và thách thức.
“Cụ thể, Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thành công trong việc chuyển đổi kinh tế số so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các nguy cơ an ninh mạng hay xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu về công ty mẹ - chính quốc, cùng với sự phát triển công nghệ robot, in 3D sẽ khiến cho Việt Nam có thể mất lợi thế về nhân công giá rẻ”, bà Hà nói.
Theo TTXVN/Vietnam+