Thứ Hai, 20/01/2025 19:10 CH
Xử nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài để trục lợi
Thứ Tư, 10/06/2020 14:41 CH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và TP Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 10/6, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương, 79 điều; giảm 1 điều so với Luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều; bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành.

 

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Luật nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân...

 

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đều cho rằng dự luật cần phải là bước cải tiến về cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, luật cần quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi gặp khó khăn, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài...

 

Theo ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), dự luật cần phải bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động đồng thời, cần phải có sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu lao động và chính sách đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

 

Đặc biệt, việc này phải đặt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta. Đất nước cần có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

"Chúng ta thấy nông dân kinh tế rất khó khăn. Nếu chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật, nhiều người dân vốn đã khốn khó lại khốn khó hơn do chi phí rất lớn khi đi xuất khẩu lao động", đại biểu Ngọ Duy Hiểu góp ý.

 

Góp ý vào quy định gia hạn giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp trong dự thảo luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề đã có quy định về điều kiện và khi không đủ điều kiện thì thu hồi giấy phép, vậy có cần phải thực hiện gia hạn giấy phép không.

 

"Chúng ta đang nỗ lực giảm bớt các thủ tục hành chính. Do vậy, việc này cần phải đánh giá tác động. Nếu quy định gia hạn thì lợi ích của doanh nghiệp thế nào, người lao động thế nào? Việc này cần phải cân nhắc", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

 

Nhắc lại sự việc 39 người Việt thiệt mạng trong xe container năm ngoái tại nước Anh, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo nhiều hình thức, từ đi làm hợp pháp theo hợp đồng lao động, nhưng cũng có tình trạng đi làm chui và để xảy ra những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ra đời vào thời điểm này là rất kịp thời.

 

"Với người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhiều cơ quan nhận hợp đồng làm rất tốt. Nhưng cũng có những người nhẹ dạ, bị lừa sang nước ngoài rồi bơ vơ. Những trường hợp này không được sự bảo hộ chặt chẽ. Vì thế, dự luật cần phải có những quy định thật chặt chẽ, tránh để tình trạng người lao động Việt Nam ra nước ngoài rồi trốn chui, trốn lủi", đại biểu Thích Bảo Nghiêm nói.

 

Tại phiên họp tổ, nhấn mạnh dự luật không điều chỉnh đối với người đi lao động không theo hợp đồng và vừa qua có nhiều trường hợp bị lừa đưa đi làm việc rất vất vả ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ phải làm rõ việc phí doanh nghiệp phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu. Ba năm đi làm theo hợp đồng thì phí thu mấy tháng lương và đặt cọc để họ không trốn. Tuy nhiên, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

 

Phải nhận thức lại cho đúng, không được dùng xuất khẩu lao động mà là đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cử đại diện khi đưa lao động đi. Các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc phải có tham tán thương mại để xử lý, bảo hộ công dân. Tai nạn lao động xử lý theo pháp luật sở tại. Doanh nghiệp nào lợi dụng để thu phí môi giới trái pháp luật phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek