Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các dự án luật này đã được trình Quốc hội trong đợt họp thứ nhất của kỳ họp này.
Mục đích sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.
Dự thảo luật gồm 8 chương, 79 điều, giảm 1 điều so với luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của luật hiện hành.
Về cơ bản, dự thảo luật không mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Việc ban hành luật nhằm đáp ứng nhu cầu ký kết văn bản hợp tác quốc tế ở các cấp chưa được quy định trong Pháp lệnh như thỏa thuận quốc tế cấp Cục, Tổng Cục, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…
Dự thảo luật cũng quy định trình tự rút gọn cho trường hợp gấp để phục vụ yêu cầu đối ngoại; quy định trình tự đề xuất, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế của nhiều bộ, ngành, hoặc tỉnh, thành phố...
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình, các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Từ 16 giờ 15 phút, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự. Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại đoàn về: Dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Theo TTXVN/Vietnam+