Thứ Sáu, 11/10/2024 08:24 SA
Tăng cường vai trò của báo chí trong phản biện xã hội
Thứ Hai, 08/06/2020 07:04 SA

Lực lượng làm báo ở Phú Yên tích cực tham gia các hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Ảnh: MINH NGUYỆT

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của báo chí là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời sớm phát hiện những “khiếm khuyết” trong các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước.

 

Phản biện xã hội là sự tập hợp sức sáng tạo và trí tuệ của các giai tầng, tạo nên sức mạnh nội lực để giải quyết các vấn đề xã hội; là sự thể hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, thước đo trình độ phát triển của một xã hội. Làm tốt công tác phản biện xã hội là tạo được sức mạnh to lớn cho các phong trào hành động cách mạng. Trong đó tăng cường vai trò phản biện xã hội của báo chí là yêu cầu thực tiễn và cấp thiết.

 

Báo chí với chức năng phản biện xã hội

 

Những năm qua, báo chí Phú Yên đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội.

Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết đại hội nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”. Trước đó, trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII, Đảng ta đã khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò của báo chí và truyền thông đại chúng.

 

Giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời cũng sớm phát hiện những “khiếm khuyết” trong các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước. Vai trò và sức mạnh giám sát, phản biện xã hội của báo chí trước hết là phát hiện những việc làm tốt và những sai phạm của tổ chức, cá nhân qua đó khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân. Việc tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Những năm qua, hoạt động báo chí ở Phú Yên có những bước phát triển cả về chất và lượng, về các loại hình và nội dung cũng như hình thức. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 loại hình báo chí được Bộ TT-TT cấp phép hoạt động. Toàn tỉnh có 11 cơ sở in, 3 đơn vị phát hành; có 4 văn phòng đại diện và 19 phóng viên thường trú tại Phú Yên. Thực hiện Luật Báo chí, các cơ quan báo chí đã đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời các sự kiện chính trị, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phân tích, nêu rõ được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện thế giới và trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

 

Với chức năng giám sát, phản biện xã hội, những năm qua, báo chí Phú Yên đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần lớn các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sai phạm. Trên thực tế, nhiều vụ tiêu cực, sai trái, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh đã được nhân dân và báo chí vào cuộc kịp thời, tích cực, định hướng dư luận xã hội.

 

Trong vai trò phản biện, báo chí tỉnh nhà không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội. Thời gian gần đây, không ít các vụ việc tiêu cực, sai trái, liên quan đến đất đai, khoáng sản, xây dựng… được các cơ quan báo chí đồng loạt phản ánh và các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm theo quy định. Báo chí luôn bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm bắt đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng tâm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, các cơ quan báo chí - truyền thông tỉnh nhà đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt. Vai trò, chức năng giám sát, phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí - truyền thông cũng ngày được nâng cao.

 

Chế bản báo tại Tòa soạn Báo Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

 

Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức nghề nghiệp cho nhà báo

 

Thực tế đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí trong nước, trong tỉnh chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Bên cạnh đó, trước thực tế toàn cầu hóa về thông tin, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhiều thông tin được tự do đưa lên mạng, không được kiểm soát, rồi tin xấu, tin độc hại, bôi nhọ, bịa đặt... núp bóng phản biện xã hội, gây không ít phiền toái cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng như gây hoang mang dư luận. Vì vậy, cần phải có một đội ngũ các nhà báo chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp để phản biện những sai trái, lệch lạc đó bằng việc thông tin chính xác, trung thực, khách quan các sự việc, vấn đề, định hướng dư luận xã hội.

 

Hiện nay, chức năng phản biện xã hội của báo chí mới dừng lại ở chủ trương, đường lối của Đảng, mà chưa được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Vì vậy, cơ chế pháp lý cho hoạt động phản biện của báo chí chưa được xác định một cách rõ ràng và đầy đủ. Trên nhiều diễn đàn, hội thảo về vai trò của báo chí đối với sự phát triển đất nước, các chuyên gia, học giả, các nhà báo uy tín đã nêu chính kiến và kiến nghị nhằm đẩy mạnh thực hiện chức năng giám định, phản biện xã hội của báo chí. Theo đó, các ý kiến tập trung một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của báo chí với giám sát, phản biện trong xã hội; hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm cho hoạt động trong giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Phản biện xã hội của báo chí vừa là hoạt động mang tính xã hội, vừa là hoạt động mang tính khoa học, ràng buộc quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình phản biện. Cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phản biện xã hội của báo chí theo hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong xu thế hiện nay, cần thiết phải nêu rõ về cơ chế phản biện xã hội của báo chí như một điều luật cơ bản, để bảo đảm và thực thi giám sát và phản biện xã hội của báo chí.

 

Thứ hai, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Mặc dù, phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí, nhưng trên thực tế cho thấy, báo chí không thể “đơn độc” trong hoạt động phản biện xã hội mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị còn không ít hạn chế. Có lĩnh vực còn chưa quy định về công khai, minh bạch, dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung có thể và cần phải công khai, minh bạch... gây khó khăn cho báo chí khi tiếp cận nguồn thông tin để thực hiện phản biện xã hội.

 

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cho nhà báo. Nhà báo phải được thường xuyên nâng cao về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị, giáo dục pháp luật cho đội ngũ nhà báo để nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức nghề nghiệp cho nhà báo. Tự thân mỗi nhà báo cần phải phát huy tính tự giác, tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp một cách thường xuyên, liên tục, suốt cả đời thông qua hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. Mặt khác, cũng cần phải có sự giám sát, quản lý, giáo dục của cơ quan báo chí nơi nhà báo trực tiếp công tác, gắn bó sinh mệnh nghề nghiệp của mình, bởi vì chỉ có cơ quan báo chí mới trực tiếp giáo dục, động viên nhắc nhở, răn đe, xử lý kịp thời và hiệu quả những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

 

NGUYỄN HOÀI SƠN

Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek