Thứ Ba, 21/01/2025 05:31 SA
Kỳ họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội:
Nền tảng để tiến tới Quốc hội điện tử
Thứ Sáu, 05/06/2020 06:46 SA

Các ĐBQH tỉnh tham dự kỳ họp trực tuyến tại điểm cầu Phú Yên. Ảnh: PHẠM THÙY

Đợt 1 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Việc tiến hành họp trực tuyến ở kỳ họp này là bước đổi mới và là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách hành chính.

 

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc họp trực tuyến trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước.

 

Cải tiến cách thức họp

 

Mặc dù Quốc hội không họp tập trung cùng một địa điểm nhưng việc cung cấp thông tin cho các ĐBQH vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng. Theo đó, ĐBQH có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu văn kiện tài liệu hoặc thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. ĐBQH có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

 

Ông Nguyễn Thanh Nhân, cử tri TX Sông Cầu cho biết: “Qua theo dõi lần đầu tiên họp Quốc hội bằng hình thức trực tuyến, tôi cho rằng rất hữu ích, nhất là giúp đại biểu giảm bớt thời gian đi lại, giảm bớt chi phí nhưng vẫn đạt yêu cầu, hiệu quả. Bà con cử tri cũng rất yên tâm và nhận thấy như vậy sẽ an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang còn diễn biến phức tạp”.

 

Nhận định về việc Quốc hội đã hoàn thành đợt 1 chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu khẳng định: Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới. Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ (tỉnh An Giang), các phiên họp trực tuyến của Quốc hội đạt kết quả tốt, thậm chí còn thuận lợi hơn so với họp tập trung. Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) khẳng định: Không khí tranh luận không khác gì họp tập trung. Đại biểu vẫn giơ biển tranh luận hoặc đăng ký để tranh luận và không chỉ là đại biểu tại hội trường Diên Hồng mà ngay cả ở địa phương cũng tranh luận được.

 

Để kỳ họp (trực tuyến) phát huy hiệu quả, Đoàn ĐBQH Phú Yên rất quan tâm đến việc chuẩn bị; tổ chức, điều hành, bảo đảm thực hiện đúng quy định các hoạt động của đoàn tại địa phương. Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hồng Vân cho biết: “Việc Quốc hội chuyển sang hình thức họp trực tuyến là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Việc cung cấp tài liệu thông qua hình thức trực tuyến rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu. Qua đó góp phần cải cách hành chính”.

 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

 

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Việc tiến hành họp trực tuyến là bước đổi mới và là tiền đề để cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới. Tuy họp trực tuyến, nhưng vẫn đảm bảo mọi phương thức thực hiện như tại Nhà Quốc hội. Đó là việc biểu quyết vẫn bình thường. Tất cả 63 đầu cầu biểu quyết bằng thiết bị thông minh và chuyển về phòng Diên Hồng qua màn hình 1 phút. Đại biểu đăng ký phát biểu cũng vẫn bình thường, tranh luận bình thường. Vì thế dù họp trực tuyến, nhưng vẫn theo quy định. Đây là cái mới và cũng là tiền đề nghiên cứu cải tiến cách thức họp, rút ngắn chương trình kỳ họp.

 

Nhiều ĐBQH và cử tri cũng cho rằng với sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên triển khai kỳ họp bằng hình thức trực tuyến rất hiệu quả. Đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này đảm bảo tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, đảm bảo cho Quốc hội có thể họp bất cứ lúc nào, trong bất cứ bối cảnh nào, trong những trường hợp cần thiết Quốc hội đưa ra những quyết sách về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc áp dụng CNTT vào một kỳ họp Quốc hội là cần thiết.

 

Theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cung cấp thông tin cho ĐBQH giúp các đại biểu dễ dàng tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng theo quy định về lĩnh vực đó. Với hoạt động triển khai phần mềm mới hỗ trợ tại lần họp trực tuyến này, các ĐBQH không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị di động khác. Qua đó thể hiện sự hiện đại, linh hoạt của kỳ họp.

 

Trong suốt thời gian diễn ra đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, các đại biểu cho rằng, chỉ có một vài khó khăn nhỏ đó là đầu giờ đường truyền bị trục trặc và hơi chậm. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được trong thời gian tới. Theo nhiều đại biểu, nếu Quốc hội tiếp tục tổ chức họp theo hình thức trực tuyến thì rất phù hợp, tiết kiệm cho ngân sách, tạo điều kiện cho các đại biểu kiêm nhiệm, đặc biệt là ở địa phương, trong giờ hành chính đại biểu họp Quốc hội, ngoài giờ vẫn có thể xử lý được công việc. ĐBQH Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) cho biết: “Tôi hy vọng trong kỳ họp Quốc hội sau phải tính một số phiên, một số thời gian họp trực tuyến để giảm bớt thời gian đi lại, giảm bớt chi phí nhưng vẫn đạt yêu cầu, hiệu quả. Như vậy hướng tới phương thức làm việc hiện đại nhưng vẫn đảm bảo quyền, sự tương tác giữa các đại biểu”. 

 

Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, Quốc hội Việt Nam tiến hành họp trực tuyến đã đảm bảo thông suốt, thành công, hiệu quả khi hoàn thành khối lượng công việc lớn. Việc đổi mới cách thức kỳ họp thể hiện Quốc hội luôn thay đổi, linh hoạt, ứng dụng KH-CN để theo kịp tình hình kinh tế - xã hội vì lợi ích nhân dân. Đây là tình huống đặc biệt trong một bối cảnh đặc biệt, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Việc ứng dụng thành quả của cách mạng 4.0, phương thức hoàn toàn mới, thậm chí mang tính đột phá của Quốc hội lần này đã đặt nền tảng để tiến tới Quốc hội điện tử.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

PHẠM THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek