Thứ Bảy, 12/10/2024 04:49 SA
Chiến thắng Đường 5: Trận Bạch Đằng trên cạn
Thứ Ba, 24/03/2020 10:30 SA

Trên tuyến đường này 45 năm trước đã diễn ra “trận Bạch Đằng trên cạn” suốt 7 ngày đêm. Gần 1 vạn quân địch từ Tây Nguyên rút chạy về đây đã bị quân và dân Phú Yên tiêu diệt, làm tan rã. Ảnh: LẠC VIỆT

Đã 45 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Đường 5 vẫn còn vang mãi. Đây được ví là “trận Bạch Đằng trên cạn”, là đỉnh cao nghệ thuật tác chiến của quân và dân Phú Yên, tạo đà cho trận đánh cuối cùng giải phóng TX Tuy Hòa và giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975, góp phần to lớn làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

 

Những ngày này, dọc theo hai bên đường 5 (nay là quốc lộ 29) đi qua huyện Tây Hòa lúa trải đồng vàng đang vào mùa gặt. Tất cả mọi thứ đã khác xưa; dấu tích một thời ác liệt với lửa đạn, khói súng đã lùi xa, nhưng hào khí về trận đánh cuối cùng năm nào vẫn còn vang vọng.

 

Quyết định táo bạo, sáng suốt

 

Hai nhân chứng lịch sử, trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy trận đánh quyết định này là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân và Tỉnh đội Trưởng Ông Văn Bưu nay đã về với cõi vĩnh hằng. Nhưng những quyết định táo bạo, sáng suốt của hai vị “tư lệnh” về trận đánh ấy vẫn luôn sống mãi với lịch sử, với quân và dân tỉnh nhà.

 

Sau khi Buôn Ma Thuột bị đại quân ta tấn công bất ngờ, binh lính Việt Nam cộng hòa thất thủ ở chiến trường Tây Nguyên; thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy 5, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập Sở chỉ huy cơ bản, Sở chỉ huy tiền phương và Ban chỉ huy hướng thứ yếu để chỉ đạo tác chiến Xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Trong đó, Sở chỉ huy tiền phương (đóng tại núi Hương, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1 - nay là Tây Hòa) do đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy làm Chính trị viên; đồng chí Ông Văn Bưu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng. Ngày 17/3, Sở chỉ huy tiền phương nhận mật lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5: Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đang rút chạy theo đường 7. Phú Yên phải điều động toàn bộ lực lượng của địa phương tập trung đánh tiêu diệt quân địch trên đường 7, không cho chúng chạy thoát về TX Tuy Hòa (Theo Lịch sử lực lượng vũ trang Phú Yên 1945-2025). Sau khi nhận lệnh của Quân khu 5, ngày hôm sau, Sở chỉ huy tiền phương tổ chức cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Kim Anh, phái viên quân sự Quân khu 5. Tại cuộc họp đặc biệt quan trọng này, đồng chí Ông Văn Bưu nhận định: Đường 7 là con đường hiểm trở, đã bị ta vô hiệu hóa, khống chế từ năm 1973, mọi chi viện của địch từ Tuy Hòa lên Củng Sơn đều được thực hiện bằng máy bay trực thăng. Đặc biệt, từ Dinh Ông đến dốc Đá Đề, các đơn vị của ta lại “bố phòng chốt”, điều này chắc chắn địch biết rõ. Mặt khác, theo báo cáo của trinh sát và thông tin mật, từ ngày 15-17, ta phát hiện địch gấp rút vận chuyển phương tiện, vật liệu làm cầu dã chiến lên Ngân Điền, Thạnh Hội, đồng thời tăng cường lực lượng chốt giữ đường 5 từ cầu Tổng lên Hòn Kén.

 

Trên cơ sở nhận định ấy, Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu quả quyết: Địch từ Tây Nguyên rút chạy theo đường 7 khi đến Sơn Hòa sẽ bắc cầu phao vượt sông Ba theo đường 5 về Phú Lâm, đồng thời đề xuất phương án 1: Giữ nguyên lực lượng chủ yếu của ta ở Tuy Hòa 1, chuẩn bị các trận địa sẵn sàng đánh địch rút lui từ Tây Nguyên xuống. Tiêu diệt địch tại chỗ, hình thành thế trận để đánh địch trên trục đường 5, ngăn chặn chúng giải tỏa từ hướng đông lên, tập trung lực lượng hình thành trận địa phục kích đoạn từ cầu Tổng đến cầu Đồng Bò. Đây là phương án táo bạo và sáng suốt, được Sở chỉ huy tiền phương thống nhất cao và báo cáo với Tư lệnh Quân khu 5.

 

Sáng 18/3, tại khu rừng bên bờ sông Chống Gậy (xã Hòa Mỹ), hai vị “tư lệnh” Nguyễn Duy Luân và Ông Văn Bưu chủ trì cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương, trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị. “Tiểu đoàn 13, Tiểu đoàn BB9, Đại đội 25, Đại đội 201 đặc công và Tiểu đoàn hỏa lực 189 chốt giữ khu vực cầu Tổng đến cầu Đồng Bò; Đại đội 203 đặc công, Đại đội 377 huyện Tuy Hòa 1 và du kích chốt giữ đánh địch từ Phú Lâm theo trục đường 5 và từ Hòa Vinh lên Hòa Tân; Đại đội 7 đặc công đánh vào quận lỵ Hiếu Xương; Đại đội công binh (C.19) phục kích đánh địch ở đèo Cả, ngăn chặn quân địch trên quốc lộ 1”, đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên thời điểm đó, nhớ lại.

 

Đỉnh cao nghệ thuật tác chiến

 

Đúng như phương án ta đã chọn, sau khi bị dân quân du kích và bộ đội ta chặn đánh suốt dọc đường và thất thủ ở Cheo Reo (Gia Lai), quân địch còn lại tiếp tục tháo chạy về Củng Sơn, nhưng không tiếp tục đi theo đường 7 mà tiến hành bắt cầu phao dã chiến vượt sông Ba, từ Thạnh Hội qua đường 5 để về Tuy Hòa. Với lực lượng của ta so với quân địch là khá mỏng, đòi hỏi phải có nghệ thuật tác chiến cao, sự xử trí tài tình, khéo léo, quyết đoán của người chỉ huy, sự hiệp đồng chặt chẽ của các bộ phận và tinh thần chiến đấu của từng cán bộ, chiến sĩ.

 

“Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên” ghi rõ: 19 giờ ngày 19/3, ta phát hiện có 5 xe tăng đi đầu hành quân từ Hòn Kén xuống, phía sau là một đoàn xe nối đuôi nhau. Sở chỉ huy tiền phương ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 nổ súng. Ba xe tăng bị tiêu diệt. Hai xe tăng đi trước vượt qua đội hình của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 chạy đến cầu Tổng thì bị Đại đội 377 tiêu diệt. Toàn bộ đội hình phía sau của địch lui lại, co cụm xung quanh Hòn Kén. Một số xe trong đội hình địch bị hỏa lực của Tiểu đoàn 189 bắn cháy làm chúng vô cùng hoảng sợ.

 

Ngày 20/3, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân Quân đoàn 2 ngụy cùng Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia trực tiếp chỉ huy lực lượng phản kích từ phía đông lên để giải nguy và hợp nhất với cánh quân từ Tây Nguyên xuống. Cùng với điều động lực lượng bộ binh, địch di dời trận địa pháo Tháp Nhạn lên gò Muối, di dời trận địa pháo Bàn Thạch sang Phước Bình bắn tập trung dọc đường 5 từ cầu Tổng đến Thạch Bàn. Đồng thời dùng máy bay ném bom xuống các khu vực Bầu Sắc, Hòn Hương, Mỹ Thạnh Trung, Mỹ Thạnh Tây, Thạch Bàn làm cho lực lượng ta cơ động khó khăn.

 

Suốt các ngày 21-23/3, địch tập trung bộ binh, không quân, pháo binh phản kích hòng mở đường về TX Tuy Hòa, đường 5 bị cày xới tan hoang. Những ngày tiếp theo, dù có phi pháo chi viện tích cực nhưng đoàn quân tháo chạy từ Tây Nguyên xuống vẫn không qua được trận địa phục kích của ta.

 

Sáng 24/3, địch liên lạc với ta trên sóng PRC25, đề nghị 2 bên ngừng bắn. Cũng trong sáng 24/3, cầu phao vượt qua sông Ba bị chính máy bay của địch đánh bom cắt đứt, khiến các đoàn xe tháo chạy bị sa lầy; chiều 24/3, Tiểu đoàn 34 ngụy phải dừng lại để củng cố đội hình và tải thương do bị chính máy bay yểm trợ của chúng cắt bom đánh trúng. Biết địch đang hoang mang, dao động, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho các đơn vị tập trung hỏa lực tập kích vào đội hình địch đang co cụm. Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ra lệnh cho thuộc cấp phải mở đường máu, tháo chạy về Tuy Hòa bằng mọi cách.

 

Đúng 5 giờ sáng 25/3, các trận địa pháo của địch cấp tập dội pháo như điên vào trận địa ta; máy bay phản lực dùng bom na pan, rốc két bắn phá các làng từ cầu Tổng đến cầu Đồng Bò; trực thăng vũ trang hộ tống cùng xe tăng mở đường; lính bảo an, biệt động từ Phú Lâm lên Hòa Bình tiến công vào trận địa ta ở khu vực Phú Thứ… Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Càng đánh bộ đội ta càng kiên cường, dũng mãnh; quân địch bị thiệt hại nặng nên càng về sau càng chống cự yếu ớt, hoảng loạn tháo chạy hoặc vứt bỏ vũ khí đầu hàng.

 

Trận đánh trên đường 5 diễn ra gần 7 ngày đêm và kết thúc vào lúc 11 giờ 30 ngày 25/3/1975. Quân và dân Phú Yên cùng bộ đội chủ lực đã diệt, bắt và làm tan rã gần 1 vạn quân địch từ Tây Nguyên rút xuống với đủ các quân binh chủng. Trong đó, bắt 1 đại tá, 20 trung tá và hàng ngàn sĩ quan cấp úy; bắn cháy 2 máy bay; thu và phá hủy hơn 300 xe các loại, 8 khẩu pháo 105 ly và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Quân và dân Phú Yên cũng đã đánh thiệt hại Liên đoàn bảo an 924, Tiểu đoàn biệt động quân từ Khánh Hòa ra; tiêu diệt ba cứ điểm Cầu Cháy, Hòn Sặc, Hòn Kén…

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek