Thứ Bảy, 12/10/2024 04:50 SA
Một trận đánh tiêu biểu, góp phần làm nên chiến thắng Đường 5
Thứ Hai, 23/03/2020 08:51 SA

Đường 5 (nay là quốc lộ 29) đoạn qua xã Hòa Phong, nơi diễn ra trận vận động phục kích đánh địch của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 ngày 22/3/1975. Ảnh: LẠC VIỆT

Đó là trận vận động phục kích trên đường 5 của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 tại xã Hòa Phong vào ngày 22/3/1975, cách đây đúng 45 năm.

 

(Theo lời kể của đại tá Trần Văn Mười, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên; đại tá Lưu Công Thục, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 13 và một số nhân chứng khác)

 

Xã Hòa Phong thuộc huyện Tuy Hòa 1 (nay bao gồm cả xã Hòa Phong và Hòa Phú, huyện Tây Hòa), nằm dọc hai bên trục đường 5 (nay là quốc lộ 29), có chiều dài khoảng 7km, chiều rộng khoảng 3km. Phía bắc giáp sông Ba, phía nam giáp mương dẫn thủy, phía đông giáp xã Hòa Mỹ, phía tây giáp xã Sơn Thành.

 

Nhận định đúng tình hình

 

Trận vận động phục kích trên đường 5 của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 tại xã Hòa Phong ngày 22/3/1975 là một trong những trận đánh tiêu biểu, góp phần làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975; góp phần đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch rút quân từ Tây Nguyên về giữ đồng bằng ven biển duyên hải miền Trung. Trận đánh này cũng là một trong những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường 5 thời điểm đó là tuyến huyết mạch quan trọng chạy từ quốc lộ 1 lên xã Sơn Thành cho đến Sông Hinh, xuyên qua Hòa Phong. Phía tây đường 5 có núi Hương (cao 124m) tiện cho việc quan sát và ém quân kín đáo. Phía bắc núi Hương có các điểm cao Hòn Đất, Núi Thơm bố trí được hỏa lực. Trong các xóm làng dân cư thưa thớt, có đường đất chạy dọc ngang, xung quanh là những cánh đồng lúa xen kẽ với các vườn cây ăn quả, các lũy tre như những lá chắn, tạo điều kiện thuận lợi cho ta giấu quân phục kích, cơ động và vận động xuất kích.

 

Sau khi thất bại ở Buôn Ma Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho toàn bộ binh lính Quân đoàn 2 bỏ Tây Nguyên “rút lui chiến lược” theo đường 7 (nay là quốc lộ 25) về đồng bằng để triển khai phòng giữ các tỉnh duyên hải nam miền Trung. Bị ta truy kích, chặn đánh liên tục, sau khi đến Củng Sơn (Sơn Hòa) quân địch bắc cầu phao vượt sông Ba, sang đường 5 và tiếp tục bị ta truy kích, chặn đánh nên co cụm lại ở Hòn Kén. Chúng tổ chức kết hợp nhiều lực lượng, phối hợp với hỏa lực của pháo binh nhằm đánh bật lực lượng ta hòng tìm cách thoát thân. Mặc dù lực lượng địch rất đông, xe pháo nhiều, nhưng tinh thần hoang mang, dao động cực độ. Do các đơn vị ô hợp, sau khi thất bại ở Tây Nguyên nên hỗn loạn về tổ chức. Hòa Phong nằm trên trục đường 5, tuyến đường chiến lược quan trọng để rút xuống đồng bằng Tuy Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung nên địch cố gắng chốt giữ. Ngày 21/3, một bộ phận lớn quân địch cướp xe máy của dân di tản chở 2-3 tên, cải trang chạy theo đường 5 xuống Phú Lâm.

 

Từ đánh giá đúng tình hình địch - ta, Sở chỉ huy tiền phương, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Ông Văn Bưu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Phú Yên, Chỉ huy trưởng tiền phương, hạ quyết tâm: Tập trung toàn bộ lực lượng, tiến công tiêu diệt quân ngụy ở địa phương, triển khai thế trận vững chắc để tiêu diệt quân địch chạy từ Tây Nguyên xuống, kềm chặt không cho chúng tháo chạy, đợi lực lượng của Sư đoàn 320 bộ đội ta đánh từ Tây Nguyên xuống. Sở chỉ huy tiền phương giao cho Tiểu đoàn 9 cùng với Tiểu đoàn 13 bố trí trận địa phục kích tiêu diệt địch. Mỗi tiểu đoàn lúc này chỉ còn chưa đầy 100 tay súng nhưng phải đảm nhận địa bàn khá lớn (Trước đó, vào rạng sáng 19/3, Tiểu đoàn 13 đã tập kích đánh hạ căn cứ Cầu Cháy của địch; ngày 20/3 tập kích địch co cụm ở Phú Diễn, Hòa Đồng).

 

Do phi pháo của địch tập trung đánh phá ác liệt để mở đường cho binh lính Quân đoàn 2 từ Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng, từ đường 7 sang đường 5 xuống Phú Lâm, nhân dân các ấp (nay là thôn) Lương Phước, Tân Mỹ, Mỹ Thạnh Tây đều tản cư đến các xã Hòa Mỹ, Hòa Tân…, số còn lại chạy dạt ra bờ sông Ba giao lại tài sản, nhà cửa cho bộ đội ta quản lý và sử dụng để phục vụ chiến đấu. Sở chỉ huy tiền phương phải điều chỉnh, bố trí lại đội hình: lệnh cho Tiểu đoàn 9 bố trí đội hình phục kích từ đầu ấp Lương Phước đến Tân Mỹ; Tiểu đoàn 13 bố trí lực lượng ở các ấp Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Trung và Mỹ Thạnh Đông.

 

Sơ đồ trận vận động phục kích trên đường 5. Ảnh: LẠC VIỆT (chụp lại)

 

Trận đánh tiêu biểu

 

Sau khi nghiên cứu thực địa và nhận định đánh giá địch - ta, Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 13 bố trí đội hình phục kích theo phương án được giao. Cách đánh của ta là lợi dụng địa hình, địa vật bố trí đoạn phục kích tạo thế bất ngờ, vận động tiến công liên tục, kiên quyết vào đội hình địch, đánh nhanh, tiến chắc, hiệp đồng chặt chẽ, tập trung binh hỏa lực truy kích tiêu diệt địch, bắt tù binh, thu và phá hủy vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch.

 

Đêm 21 rạng sáng 22/3, ban chỉ huy hai tiểu đoàn lệnh cho các đại đội triển khai đội hình hành quân chiếm lĩnh, xây dựng công sự trận địa trên đoạn phục kích theo phương án chiến đấu được giao. Các đơn vị lợi dụng địa hình, địa vật bố trí các trận địa phục kích vừa tạo thế bất ngờ vừa có thể vận động tiến công liên tục.

 

Từ 7-8 giờ ngày 22/3, địch cho máy bay trinh sát L-19 quần lượn nhiều vòng và dùng pháo bắn vào các ấp Lương Phước, Tân Mỹ, Mỹ Thạnh Tây. Đến 9 giờ cùng ngày, đài quan sát của Sở chỉ huy tiền phương phát hiện và báo: Đội hình hỗn hợp của địch gồm có lính bảo an và tàn quân lính chủ lực từ Tây Nguyên (hầu hết là sĩ quan biệt động quân) khoảng 500-600 tên, chia thành 2 tốp đi bằng xe jeep và Honda từ cầu Đồng Bò xuống đến ấp Lương Phước, Tân Mỹ. Lúc này các đơn vị của ta vẫn giữ được yếu tố bí mật bất ngờ sẵn sàng chờ lệnh xuất kích nổ súng tiến công.

 

Đội hình tốp địch đi đầu khoảng 300 tên đi đến ấp Tân Mỹ, tốp đi sau thấy tốp đi trước an toàn nên chúng càng chủ quan dồn đội hình dày đặc tiếp tục theo sau. Đúng 9 giờ 30, Sở chỉ huy lệnh cho hai tiểu đoàn xuất kích ra gần mặt đường 5 và ra lệnh cho Tiểu đoàn 13 thực hiện nhiệm vụ chặn đầu, sẵn sàng nổ súng.

 

Đúng 9 giờ 45, Tiểu đoàn 13 được lệnh nổ súng. Cùng lúc, các đại đội của Tiểu đoàn 9 từ hai bên đường 5 xuất kích đánh chính diện vào đội hình của địch. Số lính bảo an đi đầu liền co cụm lại chống trả quyết liệt; tốp địch đi sau tháo chạy trở lại cầu Đồng Bò… Đại đội 2 (Tiểu đoàn 9) nhanh chóng xuất kích khóa đuôi; bộ phận trinh sát, thông tin của tiểu đoàn cũng hình thành hai mũi xuất kích ra mặt đường 5 nổ súng tiến công tiêu diệt địch.

 

Sau hơn 30 phút chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt gọn 1 đại đội bảo an; làm thương vong 120 tên, bắt sống 270 tên tàn quân Tây Nguyên, phần lớn là sĩ quan cấp úy, cấp tá. Ta cũng đã thu hơn 100 khẩu súng các loại, 4 máy PRC-25 cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng; thu và phá hủy 3 xe jeep và hơn 300 xe Honda. Sau đó, hai tiểu đoàn củng cố lại đội hình (3 đồng chí bị thương được đưa về tuyến sau), rồi tiếp tục đánh địch từ TX Tuy Hòa lên ứng cứu đồng bọn. 

 

LẠC VIỆT (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek